Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” của Báo CAND làm sáng tỏ vấn đề qua qua trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, qua đó, góp phần khơi thông những ách tắc trong quá trình triển khai chủ trương lớn nói trên.
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, trong gói cho vay 30 ngàn tỷ, tốc độ giải ngân rất chậm ở cả cho vay đối với doanh nghiệp xây dựng và người mua nhà. Thứ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào và biện pháp khắc phục ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nghị quyết 02 của Chính phủ đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, giảm hàng hóa tồn kho... nói chung là trúng những vấn đề mấu chốt của thị trường. Trong đó, có giải pháp quan trọng có sức lan tỏa lớn đó là gói cho vay 30 ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đối với cả người dân có nhu cầu mua nhà và doanh nghiệp xây dựng nhà ở. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển quỹ nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án, giải quyết chiến lược nhà ở cho người dân, đồng thời tạo sự chuyển động nhất định cho thị trường bất động sản. Nhìn nhận đánh giá thực trạng này, với người dân và dư luận, có thể cho tốc độ giải ngân như vậy là chậm, chưa thỏa mãn. Nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, thì chưa hẳn như vậy.
Tôi có thể khẳng định: Ngay sau khi có nghị quyết của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện, đảm bảo đủ hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho người dân vay tiền mua nhà ở và doanh nghiệp vay vốn xây dựng, chỉ trong một thời gian ngắn. Trước đây, thực hiện các thủ tục triển khai một dự án nhà ở phải mất từ 2 đến 3 năm (từ giải phóng mặt bằng, đền bù, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc...). Nhưng với quy định hiện nay đối với các dự án dùng vốn vay trong gói 30 ngàn tỷ này, nhiều thủ tục có thể hoàn thành chỉ sau một cuộc họp lấy ý kiến thống nhất của các Sở, ngành liên quan, là có thể trình UBND cấp tỉnh, thành quyết định triển khai dự án.
Đến nay, đã có 59 dự án đủ điều kiện vay vốn, với tổng vốn vay là gần 6.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã có văn bản giới thiệu sang Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, đã có 150 khách hàng vay với tư cách cá nhân để mua nhà ở, lượng vốn cho vay 46 tỷ đồng, và con số này đang tăng lên từng ngày.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trao đổi với phóng viên Báo CAND về thúc đẩy giải ngân gói cho vay 30 ngàn tỷ đồng. Ảnh: Thiện Hoàng.
PV: Thứ trưởng có thể nói rõ hơn đâu là “nút thắt” dẫn đến tốc độ cho vay ưu đãi triển khai các dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chậm?Liệu có phải do thủ tục còn rườm rà, nhiều cửa?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Muốn đẩy nhanh một dự án nhà ở, trước hết phải hoàn thành các thủ tục hành chính. Quy định hiện nay đối với một dự án muốn vay vốn ưu đãi trong gói 30 ngàn tỷ từ ngân hàng, phải có ba điều kiện: Một là phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hai là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ba là có giấy phép xây dựng. Tôi cho rằng, nói là chỉ có 3 thủ tục trên đây, nhưng phía doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều khâu, với nhiều khó khăn vất vả mới có thể hoàn tất. Nếu có “nút thắt” thì có lẽ đây là khâu chậm nhất, mất nhiều thời gian nhất trước khi đẩy tốc độ vay tiền, triển khai dự án. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền các tỉnh, thành phố có nhận thức và quyết liệt trong việc thực hiện Nghị quyết 02 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng hay không.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Trong việc triển khai gói cho vay 30 ngàn tỷ, Bộ Xây dựng chỉ xem xét tính chất pháp lý của dự án, nếu thấy đủ điều kiện thì chuyển sang đề nghị ngân hàng cho vay vốn ưu đãi. Ngoài ra không xét duyệt điều kiện gì khác. Nếu có “nút thắt” làm chậm quá trình giải ngân, thì có lẽ chính là khâu tiến hành các trình tự thủ tục triển khai dự án nhà ở thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố mà thôi.
Nhưng hoàn tất được 3 thủ tục trên mới là điều kiện “cần” cho việc vay vốn. Điều kiện “đủ” còn do phía ngân hàng xem xét qua các tiêu chí: Doanh nghiệp vay vốn đó có năng lực trả nợ hay không; có vốn đối ứng không; có nợ xấu không... Tất cả những vấn đề này đều được thẩm định trước khi quyết định cho vay, như thế mới tránh được sự gia tăng nợ xấu. Nếu khâu vay vốn chậm, thì việc xây dựng nhà ở cũng sẽ chậm. Điều này kéo theo các cá nhân muốn vay vốn ngân hàng mua nhà ở cũng sẽ chậm. Vì điều kiện tiên quyết để vay vốn mua nhà là phải có hợp đồng mua căn nhà đó làm cơ sở để thế chấp tại ngân hàng (chưa kể các yêu cầu khác đối với người vay, như khả năng chi trả theo định kỳ...).
Vả lại, muốn ký hợp đồng mua bán nhà thì phải có khối lượng xây dựng thực tế đúng quy định. Do đó, mấu chốt vẫn là phải đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng nhà ở xã hội, tiến độ chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại, tạo quỹ nhà để triển khai gói cho vay này.
PV: Có dư luận cho rằng, khâu xét duyệt để chuyển danh sách các dự án xây dựng sang ngân hàng vay vốn ưu đãi do Bộ Xây dựng đảm nhiệm chậm dẫn tới việc giải ngân không thể nhanh, Thứ trưởng nói gì về điều này?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Bộ Xây dựng chỉ kiểm tra sơ bộ tính chất pháp lý của các dự án, như các dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt chưa; đã đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng cũng như các quy định hiện hành đối với một dự án hay chưa, trước khi chuyển danh sách các dự án đó sang đề nghị ngân hàng cho vay tiền triển khai dự án. Ngoài ra, không xét duyệt bất kỳ thủ tục nào. Trên thực tế, với chức năng của mình, Bộ Xây dựng làm đúng chức năng ban hành các thông tư hướng dẫn thủ tục xây dựng nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án...tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc triển khai trong thực tế.
Vấn đề chính là các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Xây dựng nên tốc độ giải ngân cho các dự án và cho người dân vay mua nhà chậm mà thôi. Tôi lấy ví dụ, thông thường các dự án muốn triển khai phải gửi hồ sơ lên Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc... xin chủ trương đầu tư, sau đó mới trình lên UBND cấp tỉnh, thành ra quyết định đầu tư. Nhưng nay, theo hướng dẫn mới việc lấy ý kiến tất cả các Sở, ngành liên quan chỉ qua một cuộc họp do Sở Xây dựng chủ trì. Như thế là rất thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội là khâu mấu chốt thúc đẩy cho vay gói 30 ngàn tỷ theo chủ trương của Chính phủ. Ảnh: Thiện Hoàng.
PV: Thực tế có doanh nghiệp làm rất tốt nhà ở xã hội và đã bán cho người dân hàng ngàn căn hộ nhưng chưa được tiếp cận vốn ưu đãi (ví dụ như Công ty CP Bêtông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai). Theo Thứ trưởng, làm thế nào để bình đẳng giữa các doanh nghiệp trước nguồn vốn vay ưu đãi hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Đúng là trường hợp Công ty CP Bêtông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm rất tốt vấn đề nhà ở xã hội, nhà giá thấp phục vụ người dân nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong gói 30 ngàn tỷ. Lý do, khi đơn vị này đăng ký vay thì đã xây dựng xong dự án nhà ở tại Khu đô thị Kiến Hưng, Hà Đông bằng nguồn vốn khác rồi. Còn lại, các doanh nghiệp khác làm đúng, đủ thủ tục vẫn được vay bình thường, chưa có gì gọi là không bình đẳng cả.
PV: Nhiều người dân cho rằng, dường như nguồn vốn 30 ngàn tỷ cho vay xây dựng và mua nhà ở xã hội mới chỉ tập trung ở đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... mà chưa mấy quan tâm tới các đô thị nhỏ hơn trực thuộc các tỉnh, nơi có nhiều cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang cũng rất cần nhà ở, điều này có đúng thực tế không Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Hiện theo danh sách Bộ Xây dựng giới thiệu sang ngân hàng đề nghị cho vay vốn xây dựng, có đủ các dự án trải dài từ Bắc đến Nam. Có thể dẫn ra, từ Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau... Tuy nhiên, về nguyên lý ưu tiên giải quyết nhà ở cho nhân dân ở các đô thị tập trung như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... là đúng, vì ở đó đất chật, người đông, nhu cầu nhà ở cao hơn các địa phương khác rất nhiều.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi này!
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng không chậm cho vay vốn, nhưng cho vay phải đảm bảo không gia tăng nợ xấu Phóng viên (PV): Thưa ông Nguyễn Viết Mạnh, nguồn tiền cho vay trong gói 30 ngàn tỷ không thiếu nhưng theo số liệu Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, đến nay mới có 59 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn đã chuyển sang ngân hàng vay khoảng 6000 tỷ đồng nhưng cũng chưa giải ngân hoàn toàn; 150 khách hàng cá nhân vay 46 tỷ đồng để mua nhà ở. Con số này quá khiêm tốn so với momg muốn của người dân và doanh nghiệp, vậy ách tắc phải chăng nằm ở các thủ tục tại ngân hàng? Ông Nguyễn Viết Mạnh: Đúng là con số doanh nghiệp và cá nhân đủ điều kiện vay vốn và đã dải ngân trong gói 30 ngàn tỷ đồng như nêu trên còn rất nhỏ so với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp xây dựng. Nhưng tôi khẳng định phía ngân hàng không có khó khăn gì về thủ tục cho vay vốn. Đối với các doanh nghiệp, đủ điều kiện vay vốn hay không trước hết do Bộ Xây dựng xem xét rồi gửi danh sách sang ngân hàng đề nghị cho vay. Phía ngân hàng thực hiện đúng quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn nhưng không thể bỏ qua những quy định bắt buộc, chẳng hạn phải có khối lượng xây dựng thực, cho vay nhưng phải đảm bảo hoàn trả được (cho dù là vay với lãi suất ưu đãi) và không làm gia tăng nợ xấu. Ngoài vấn đề trên, tôi được biết việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để vay vốn ưu đãi tại các địa phương nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chuyển động rất chậm. Vì thế cũng làm chậm quá trình cho vay vốn. Đối với cá nhân có nhu cầu vay vốn, sở dĩ còn ít trường hợp đủ hồ sơ theo quy định để đến ngân hàng vay vốn như hiện nay, theo tôi biết chủ yếu vướng mắc ở khâu xác nhận về tình trạng nhà ở của người đó, hộ đó, có đúng đối tượng được vay vốn ưu đãi mua nhà hay không. Việc này thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã. Nếu khâu này đẩy nhanh được, cộng với đơn vị xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo khối lượng, ký được hợp đồng mua nhà thì việc cho vay sẽ hoàn tất ngay sau đó, không có trở ngại nào cả. PV: Xin cảm ơn ông Vụ trưởng! |