09/06/2017 1:22 PM
Mặc dù, TPHCM đầu tư xây dựng hàng loạt công trình chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, tuy nhiên nhiều nơi vẫn đang đối mặt với sạt lở nghiêm trọng do công trình chậm triển khai, vướng mặt bằng hoặc chưa có vốn.
Sạt lở tại khu vực cầu Rạch Đĩa quận 2 chưa có giải pháp khắc phục
Báo động xói lở
Trên địa bàn huyện Nhà Bè hiện có trên 15 vị trí báo động đỏ về nguy cơ sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu dân cư. Vụ sạt lở phía bờ phải sông Rạch Tôm, ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè vào ngày 31-5 vừa qua, khiến cả khu vực rộng gần 600m2 bị ảnh hưởng, trong đó có 7 căn nhà buộc phải di dời khẩn cấp. Rất may chỉ thiệt hại về đất đai, nhà cửa chỉ bị nứt, không gây thiệt hại đến tính mạng con người.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP, hiện trên địa bàn có hơn 40 điểm có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc bờ sông Sài Gòn từ huyện Nhà Bè về hướng huyện Củ Chi, nhiều nơi nguy cơ sạt lở rất cao mỗi khi triều cường hay mưa lớn. Tại khu vực bờ trái sông Sài Gòn, cuối đường số 7 thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, cách cầu Bình Phước khoảng 1.000m về phía hạ lưu, hệ thống bờ bao chỉ được đắp đất nay đã xuống cấp. Điều đáng lo ngại nhất là khu vực này tập trung dân cư khá đông đúc. Tại bờ trái sông Sài Gòn, khu vực bến đò Bình Quới phía thượng lưu và hạ lưu thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, dọc bờ sông chỉ được gia cố bằng cừ tràm và đất đã xuất hiện một số vết nứt, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở. Trong khi đó, khu vực này thường xuyên có tàu thuyền lớn và bến đò chở khách qua lại gây ra sóng rất mạnh. Phía bên trong bờ sông, hàng trăm nhà dân và vườn mai của người dân thấp hơn so với mực nước bên ngoài, nên nếu xảy ra tình trạng tràn và vỡ bờ, cả khu vực sẽ bị chìm trong nước.
Tương tự, khu vực cầu Giồng Ông Tố (nối hai phường An Phú và Bình Trưng Tây, quận 2 ) đang bị sạt lở nặng. Anh Trương Quang Năm, nhà nằm sát mé sông cách chân cầu này cho biết, thực trạng này do các sà lan thường xuyên đến cào cát trộm, làm cho lòng sông ngày càng bị khoét sâu, khi nước dâng lên, đất đá bên bờ bị cuốn trôi. Vào mùa mưa, sạt lở càng nghiêm trọng hơn do dòng chảy đảo chiều, ăn sâu vào đất liền. Mặc dù phường An Phú đã hỗ trợ kinh phí để người dân đóng cọc, kè bờ nhưng nhiều nhà dân tiếp tục bị nước ăn sâu. Nguy hiểm hơn, khu vực bờ trái sông Sài Gòn, đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, dọc bờ sông có nhiều nhà cao tầng nằm cách bờ 15 - 20m, thậm chí có nhiều ngôi nhà xây sát mép sông nhưng hệ thống bờ kè chủ yếu là hệ thống tường rào do người dân xây dựng. Trong khi đó, khu vực này có nhiều tàu, sà lan lưu thông qua lại làm nước đánh dạt vào hai bên bờ gây xói mòn bờ sông, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở.
Tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra tại khu vực các xã Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú và An Phú (huyện Củ Chi). Tại các xã này, hiện tượng hàm ếch kèm nguy cơ sạt lở kéo dài trên 10.000m dọc bờ sông. Riêng ở xã Bình Mỹ có hơn 3.000m rơi vào tình trạng sạt lở cao.
Chậm do vướng mặt bằng
Trong tổng số 42 điểm có nguy cơ sạt lở, Khu Quản lý đường thủy nội địa (KQLĐTNĐ) được UBND TPHCM giao thực hiện 20 dự án chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, trong đó có 18 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Hiện có 7 dự án chuyển tiếp đang được triển khai thi công. 13 dự án còn lại đã được ghi vốn nhưng cũng chỉ mới ở khâu tổ chức khảo sát, lập thiết kế. Các quận huyện và các đơn vị khác làm chủ đầu tư 15 điểm; còn lại 7 điểm chưa được bố trí vốn (trong đó có nhiều điểm đặc biệt nguy hiểm, KQLĐTNĐ đã đề xuất và đang chờ giải quyết). Giám đốc KQLĐTNĐ (thuộc Sở GTVT) Trần Văn Giàu cho rằng, tiến độ thi công nhanh hay chậm là do công tác giải phóng mặt bằng quyết định. Thời gian chờ bàn giao mặt bằng khiến vốn đầu tư tăng cao so với dự toán ban đầu. Hiện KQLĐTNĐ đang thực hiện 8 công trình thì có đến 6 công trình vướng mặt bằng. Mặc dù nguồn vốn xây dựng các công trình chống sạt lở đã được duyệt là 138,7 tỷ đồng (trong năm 2016), nhưng hiện nay chỉ giải ngân được khoảng 80 tỷ đồng.
Dự án thi công thì ì ạch, chậm tiến độ, trong khi nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là nhà dân ở những khu vực trên rất lo lắng khi mùa mưa đến. Để cảnh báo, nhiều năm qua KQLĐTNĐ đã công bố danh sách những khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn TP. UBND TP cũng đã chỉ đạo các quận, huyện lập phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ di dời dân cư. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân TP phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ… bị nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Sở Giao thông Vận tải TP kiến nghị, UBND TP ưu tiên bố trí vốn để triển khai 33 dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở. Đối với các vị trí còn lại từ nay đến năm 2018, sở sẽ đề xuất UBND TP xem xét chấp thuận đầu tư.
Quốc Hùng - Thanh Hải (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.