19/08/2017 8:17 PM
Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã phát hiện khá nhiều sai sót trong quá trình triển khai đầu tư Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn km 75 - km 100.
Giảm trừ sâu
Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo kết quả kiểm toán Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Cạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn km 75 - km 100.
Đây là dự án do liên danh Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng & thương mại Trường Lộc Việt Nam là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.
Trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.746,3 tỷ đồng, tuy nhiên, trong Thông báo kết quả kiểm toán số 232/TB - KTNN, Kiểm toán Nhà nước chỉ xác nhận, tổng số tiền đã thực chi tính đến ngày 31/3/2017 là 1.953 tỷ đồng, bao gồm 350 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, phần còn lại là vốn vay thương mại. Nếu chiểu theo hợp đồng BOT ban đầu và quyết định phê duyệt dự án, công trình phải hoàn thành vào ngày 31/12/2016, nhưng đến ngày 18/5/2017, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) mới có văn bản chấp nhận nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, trong bước khảo sát, đơn vị tư vấn đề xuất với Bộ GTVT đặt vị trí trạm thu phí trên quốc lộ cũ gần khu vực chợ và trường học. Tuy nhiên, đề xuất này không hợp lý, nên khi người dân phản đối, nhà đầu tư buộc phải điều chỉnh sang một vị trí mới khi các nhà thầu đã triển khai thi công đã làm kéo dài thời gian xây dựng thêm 6 tháng và phát sinh ngoài dự toán 18,9 tỷ đồng.
Qua kết quả kiểm toán kiến nghị giảm trừ 52,1 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng 30,2 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng là 21,88 tỷ đồng), đồng thời loại trừ chi phí dự phòng không sử dụng hết, thời gian hoàn vốn của Dự án bị giảm trừ 1 năm 11 tháng 5 ngày.
“Nếu giữ nguyên thời gian thu phí và áp dụng kết quả giảm trừ tính toán như trên, thì mức đơn giá bình quân cho phương tiện cơ bản - xe ô tô con chỉ còn 895 đồng/km/xe, giảm 13% so với mức đơn giá bình quân theo hợp đồng BOT là 1.029 đồng/km/xe”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết.
Cùng với việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh lại các điều khoản hợp đồng BOT có liên quan để xác định lại thời gian hoàn vốn cho Dự án.
Ngoài các sai sót nói trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đối với việc phê duyệt dự án bao gồm cải tạo, nâng cấp 7 km trên Quốc lộ 3 cũ vào tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới và đặt thêm 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 3 khiến người dân phải trả một phần chi phí cho tuyến đường BOT mà họ không tham gia giao thông.
Trên thực tế, vị trí đặt trạm thu phí tại Quốc lộ 3 cũ gây bức xúc nhất cho người dân.
Lý do là vị trí của trạm này án ngữ ngay trước ngã ba Bờ Đậu (hướng Thái Nguyên - Bắc Cạn) khiến các chủ phương tiện từ Đại Từ (Thái Nguyên) đi Sơn Dương (Tuyên Quang) theo Quốc lộ 37 dù chỉ đi qua trạm BOT 2 km vẫn mất phí toàn tuyến.
Sai nguyên tắc
Không hẹn mà gặp, việc đưa 7 km Quốc lộ 3 cũ vào Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn km 75 - km 100 cũng được Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là chủ trương chưa thật sự chuẩn xác của các đơn vị có liên quan.
Cần phải nói thêm, Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn km 75 - km 100 là một trong 7 dự án được Thanh tra Chính phủ đề cập trong Kết luận thanh tra số 1428/KL - TTCP về việc chấp hành quy định pháp luật tại một số dự án BOT giao thông.
Đối với Dự án này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, căn cứ quy hoạch phát triển giao thông được phê duyệt, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới chiều dài là 28 km, nhưng trong Quyết định đầu tư, Bộ GTVT đã phê duyệt quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với quy hoạch (40,7 km). Quy mô đầu tư này thậm chí còn chưa bao gồm việc cải tạo nâng cấp mở rộng đoạn km 93 - km 100 Quốc lộ 3 cũ.
Dẫn chiếu các quy định về quản lý hệ thống giao thông, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cải tạo nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 3 phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Vì vậy, việc cơ quan quyết định đầu tư “ghép” 7 km Quốc lộ 3 cũ vào Dự án BOT và thu phí 2 nơi là không đúng quy định hiện hành.
“Khi Dự án đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến Quốc lộ 3 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Liên quan đến thực hiện chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho rằng, văn bản của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án chậm, ngoài thời hạn được đăng tải thông báo mời thầu công khai trên các phương tiện thông đại chúng không đúng theo mẫu quy định. Hồ sơ yêu cầu thực hiện Dự án cũng không tuân thủ quy định về hiệu lực của Hồ sơ đề xuất, hiệu lực của khoản bảo đảm dự thầu và khoản bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, việc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án trước thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Hợp đồng dự án chính thức ký là không đúng với quy định tại Điều 28, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.
Trong quá trình thi công, nhà đầu tư đã không tuân thủ các quy định về quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng: không kiểm tra chất lượng các loại vật liệu như cát, đá, đất đắp, xi măng, sắt thép... Trên thực tế, tại một số điểm đã thi công mái taluy, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhà thầu không thi công lớp đá dăm trước khi xây mái taluy, sai thiết kế kỹ thuật thi công.
Liên quan đến việc góp vốn chủ sở hữu cho Dự án, theo ghi nhận của Thanh tra Chính phủ, từ 1/12/2014 đến 22/6/2015, liên danh các nhà đầu tư góp được 350 tỷ đồng; trong đó, Cienco4 góp toàn bộ số vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án, Công ty cổ phần Xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc Việt Nam không thực hiện góp vốn, sai với cam kết hợp đồng.
“Hiện chưa rõ việc góp hộ vốn chủ sở hữu này có phải là hành vi lách luật để chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp dự án hay không? Nhưng hiện tượng vi phạm cam kết của các nhà đầu tư này rất cần được Bộ GTVT làm rõ”, một chuyên gia nhận định.
Bảo Như (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.