Với mức nợ công có nguy cơ chạm trần (65% GDP quốc gia) và tỉ lệ trả trực tiếp mỗi năm đang không ngừng tăng, trong khi nguồn tăng thu ngân sách để đáp ứng tăng chi lại có hạn, bài toán trả nợ trước mắt trở nên căng thẳng hơn…

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, 10 năm trở lại đây, chúng ta vay mỗi năm khoảng 4-5 tỷ USD. Sau năm 2020, việc đi vay mượn với ưu đãi của nước ngoài sẽ giảm dần do VN đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

Những con số cảnh báo

So với 2 năm trước, nợ công luôn tăng dần đều. Năm 2012, nợ công là 55,5% GDP. Năm 2013 là 56,2% GDP. Với tốc độ này, nhiều chuyên gia cho rằng nợ công 2015 sẽ đạt tới 64% GDP và đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% GDP vào năm 2016. Chính phủ cũng tính toán và dự báo (lẫn kì vọng) rằng nợ công sau đó sẽ giảm dần đến năm 2020 chỉ còn 60,2% GDP.

Tại thời điểm hiện nay, tính toán của NH Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy nợ công Việt Nam đang dần tiệm cận ngưỡng cảnh báo, dù con số nợ công mà ADB tính toán chỉ ở khoảng 60% GDP cho 2015. Theo ADB, rủi ro lớn nhất là VN phải đối mặt đối với vấn đề nợ công là thâm hụt ngân sách dự báo mở rộng. Ngân sách thâm hụt liên quan đến các chính sách giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế cho các DN ưu tiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết nhập khẩu và giá dầu giảm, qua đó sẽ tác động bất lợi đến nguồn thu của Việt Nam. Trong khi đó, chi đầu tư dự báo tăng gần 20% sau hai năm giảm, chi thường xuyên cũng dự kiến sẽ tăng 10%, chi cho y tế tăng và giáo dục tăng 11% và 5%.

Thu giảm, chi tăng, sẽ khiến túi tiền ngân sách co lại và đó thực sự là điều đáng lo ngại khi con số mà ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nêu ra cho thấy tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ cũng đang tăng dần đều, tương ứng với mức nợ công đã tăng lên trong giai đoạn qua. Ông Long cho biết, năm 2015, tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dự kiến chiếm khoảng 16,1% so với tổng thu ngân sách, tăng so với hai năm trước đó (tỉ lệ này năm 2013 là 15,2% và năm 2014 là 13,8%).

Chính vì vậy, nguồn thu ở đâu để bù đắp thâm hụt là một câu hỏi.

Khơi nguồn lực mới

Cũng theo ông Trương Hùng Long, 98% khối lượng vốn vay nợ công (tổng vốn vay nợ công huy động được năm 2014 là 627.800 tỉ đồng) đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Trong khi đó, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra, một số dự án đã được cấp bảo lãnh Chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ vay...

Để xử lí vấn đề này, về lí thuyết và khung pháp lí, các nhà quản lí và nhà thừa hành đều đã có thể vận dụng Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, có lẽ chỉ mình Luật không thôi vẫn… chưa đủ. Ngày 30/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường các biện pháp xử lí nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban ngành thực hiện đúng Luật Đầu tư công và trước ngày 30/6/2015, báo cáo chính xác các danh mục và số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến 31/12/2014. Đặc biệt, chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: “khi xử lí vốn đối ứng, cần cân đối chỉ rõ nguồn vốn để thu hồi”.

Hi vọng, nguồn vốn để thu hồi có “địa chỉ” cũng sẽ là một nguồn lực được ước tính rõ ràng trong nay mai. Theo ghi nhận của DĐDN, mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức mở rộng cho phép Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tiên được cùng tham gia cho vay ODA. Đó là HDBank với khoản cho vay của Dự án Cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn 2, thuộc chủ đầu tư CTCP Cấp nước Đồng Nai. Ông Trần Hoài Nam - Phó TGĐ ngân hàng này cho biết, HDBank đã được Chính phủ phê duyệt là ngân hàng thay mặt Bộ Tài chính cho Cty cổ phần cấp nước Đồng Nai vay lại toàn bộ phần vốn ODA để thực hiện dự án đặt NH này vào vị thế cho vay lại và HDBank phải trực tiếp thực hiện thẩm định đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục giải ngân, thu nợ, lãi, phí... kiểm tra, giám sát và quản lý toàn bộ quá trình sử dụng vốn vay trước, trong và sau khi giải ngân. Đặc biệt, khi tham gia cho vay lại dự án này, do HDBank chịu rủi ro tín dụng 20%/tổng số tiền cho vay lại nên góp phần chia sẻ/giảm gánh nặng nợ công trong trường hợp người vay lại không trả được nợ.

Như vậy, cho phép các NHTM có nguồn lực, có năng lực thẩm định và giám sát vốn vay cũng như có phương án trả nợ thay dự phòng với một tỷ lệ nhất định cũng có thể xem sẽ là giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro của các khoản cho vay đầu tư công từ nguồn vốn vay nợ công.

Với đặc thù của một nền kinh tế vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình, VN trong tương lai sẽ giảm dần tỷ lệ nợ vay ODA. Tuy nhiên, trước mắt phần lớn các dự án hạ tầng quan trọng của nền kinh tế vẫn đang dựa vào nguồn vốn vay ưu đãi này. Trong tình hình này Chính phủ cần kiểm soát nợ công chặt chẽ nói chung và việc sử dụng vốn vay ưu đãi ODA nói riêng sao cho hiệu quả để tận dụng được nguồn tài trợ giá rẻ từ bên ngoài.

Sự vào cuộc của các định chế tài chính lớn từ thẩm định, giám sát đến cho vay, giải ngân và chịu trách nhiệm một phần bù đắp rủi ro đối với nguồn vốn ODA cho các dự án, được kì vọng sẽ là chìa khóa phá thế “độc quyền” của các NH quốc doanh, các định chế phát triển trực thuộc Nhà nước. Quan trọng không kém, các DN cũng sẽ có cơ hội tiết giảm chi phí phụ trội, nếu được tiếp cận vốn ODA theo một “phong cách” thị trường – sòng phẳng và minh bạch hơn. Mục tiêu kiểm soát chặt hiệu quả nguồn vốn vay ODA và nước ngoài để đầu tư công, thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ, nên chăng, cũng cần hướng đến phát huy hơn nữa “cách thức” này?

Đảm bảo an toàn nợ công

Theo khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, nợ công của nước ta đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP. Các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, để xử lý vấn đề nợ công hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai một số biện pháp tái cơ cấu nợ công. Theo đó, từng bước chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn. Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và an ninh tài chính quốc gia, trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục giữ mức trần nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và khống chế nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN hàng năm không quá 25% GDP. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Ngoài ra, sẽ bám sát mục tiêu bội chi NSNN giảm dần, trong đó đến năm 2020 giảm xuống 4% GDP (tính cả trái phiếu Chính phủ).

Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công. Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.
Lê Mỹ (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.