Vài năm trở lại đây, chính sách nhà ở cho người dân đô thị được đánh giá đã tiến một bước dài. Tuy nhiên, so với nhu cầu có nhà ở của người dân, nguồn cung nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở thương mại (NoTM) giá rẻ vẫn chưa đáp ứng nổi.

Cung ít, giá cao

Việc sở hữu 1 căn hộ có diện tích vừa phải (dưới 70m2) và có mức giá dưới 1 tỷ đồng không còn là mơ ước xa vời của người dân đô thị như cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, với đại đa số người dân có thu nhập thấp, thậm chí trung bình, đó cũng không phải là việc dễ dàng.

NoXH khan hiếm nguồn cung, dễ dàng hơn để vay vốn ưu đãi nhưng lại khó mua, phải xét duyệt ngặt nghèo, NoTM giá thấp chưa có nhiều dự án, đang phải đối mặt với mức tiền chênh cao ngất ngưởng khi thị trường sôi động trở lại và thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn giữ trạng thái e dè khi cho vay vốn. Điều này đang ngăn cản rất nhiều người dân tìm kiếm cho mình một chỗ an cư. Trong khi đó, một thực tế dễ thấy là chính quyền đô thị vẫn chưa thực sự hết loay hoay để giải bài toán nan giải này.

Đơn cử như Hà Nội, mặc dù nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương trên 30.000 căn. Nếu tính nhu cầu NoXH của toàn TP, con số này lên tới khoảng 80.000 căn, trong khi Hà Nội dù rất nỗ lực nhưng mới triển khai được 14 dự án nhà cho người thu nhập thấp, quy mô hơn 11.900 căn, thấp hơn nhu cầu thực tế rất nhiều.

Mới đây, báo cáo về việc kiểm tra quỹ đất 20% tại 12 dự án của UBND TP Hà Nội, cho thấy chỉ có 3 dự án đầu tư xây dựng NoXH, 3 dự án đã chuyển sang xây dựng nhà ở tái định cư, còn lại chuyển đổi sang NoTM hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện còn 11 lô đất dành để xây dựng NoXH trong các dự án với diện tích 8,6ha, nhưng mới có mặt bằng được 4 lô, diện tích 5,6ha; còn 7 lô, diện tích 3ha chưa được giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitat Việt Nam, những đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM đang phải đối mặt với thực trạng các khu chung cư cũ nát, thậm chí các khu chung cư xây mới như nhà tái định cư hay chung cư mini đang xuống cấp nhanh chóng. Điều này khiến 2 TP lớn này hao tổn không ít nguồn lực để khắc phục trong thời gian tới, càng tạo áp lực lên nguồn cung vốn đã ít ỏi.

Mối đe dọa với đô thị

Ở góc nhìn dành cho sự phát triển đô thị, PGS.TS Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, nhận định hiện có 4 loại nhà ở đô thị đang cần sự tập trung về chính sách, gồm nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư, nhà chung cư cũ và nhà ven kênh rạch. Cả 4 loại hình nhà ở này đều đang lâm vào tình trạng vướng mắc đủ bề.

“Thí dụ NoXH, chất lượng nhà tại nhiều dự án chưa đảm bảo cho người sử dụng, giá thành còn cao, vay tiền mua nhà trả góp rất khó khăn, ngay cả khi đã có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho người dân mua nhà. Những điều này khiến việc sở hữu nhà ở dù có tiến triển, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế”.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Vinh, xét tầm nhìn dài hạn, đây sẽ trở thành những nguy cơ đối với đô thị bởi càng thiếu chỗ ở càng phát sinh nhiều loại hình khó quản lý. Và như nhiều chuyên gia cảnh báo, những khu nhà tái định cư xập xệ “3 không 4 nát”, xuống cấp nhanh chóng, những khu tập thể cũ “đeo balo” chi chít hay những chung cư mini có diện tích “bức bối” 30-40m2 nếu quản lý không tốt sẽ trở thành những khu ổ chuột mới trong chục năm nữa.

Một khu NoXH tại TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Một số chuyên gia về đô thị bày tỏ sự lo ngại về việc tại nhiều TP lớn hiện nay, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, khủng hoảng thừa NoTM và khủng hoảng thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp và người nghèo đô thị đang diễn ra, bất chấp

Chiến lược nhà ở đã vạch ra những mục tiêu rõ ràng cho cả 2 loại đối tượng. Sự va chạm giữa 2 loại nhà ở này có thể khiến các TP phát triển lệch và sự phân hóa đẳng cấp ngày một diễn ra sâu sắc. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp hữu hiệu, trong đó quyền có chỗ ở phù hợp của người dân cần được tôn trọng. Nếu không giải quyết được những điều này, dòng người nhập cư đang ùn ùn kéo về sẽ khiến các TP rơi vào trình thạng dồn ứ và khủng hoảng nghiêm trọng về chỗ ở.

Theo bà Lê Diệu Ánh, điều phối viên thuộc Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, cần có sự chung tay của cộng đồng trong việc phát triển nhà ở, bởi nếu chỉ đặt gánh nặng này lên Nhà nước sẽ khó có thể đáp ứng hết được nhu cầu.

“Ở một góc độ nào đó, người dân nên được tự lựa chọn hình thức nhà ở phù hợp nhất với mình, tự giám sát, tự quản lý và Nhà nước thông qua các quỹ, tổ chức sẽ hỗ trợ nhất định về mặt chi phí, thiết kế, giải phóng mặt bằng… Đó là cách làm chúng ta nên tham khảo và có ứng dụng rộng rãi” - bà Ánh cho biết.

Khôi Nguyên (Sài Gòn Đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.