Khoảng 2 tháng nay, nhiều người dân TP Pleiku (Gia Lai) nhận được thông báo rộng rãi của một số ngân hàng chi nhánh Gia Lai về việc cho người dân vay tiền nằm trong gói 30 nghìn tỷ đồng.
Thông báo cho biết, đối tượng được vay vốn ưu đãi trên là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, với điều kiện: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; có nhà nhưng diện tích chật chội dưới 8m2/người; chưa có nhà nhưng có đất và Giấy CNQSD đất và diện tích đất ở nhỏ hơn tiêu chuẩn diện tích tối thiểu được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND tỉnh.
Ngoài ra, các đối tượng được vay vốn ưu đãi phải có: Hộ khẩu tại tỉnh/ thành phố nơi có dự án nhà ở, đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng BHXH từ 1 năm trở lên; có hợp đồng thuê, mua Nhà ở thương mại với Chủ đầu tư dự án; có mục đích vay vốn để trả khoản tiền chưa thanh toán theo hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư kể từ ngày 21/8/2014 (áp dụng đối với các Hợp đồng mua bán ký trước ngày 21/8/2014 và sau ngày 6/1/2013)…
Trường hợp khách hàng mua nhà ở xã hội/nhà thương mại, tối đa từ 15 năm từ thời điểm khách hàng được giải ngân lần đầu tiên nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2031. Và mức vay tối đa là 1,05 tỷ đồng (không vượt quá 80% giá trị mua).
Trường hợp khách hàng xây dựng mới, sửa chữa nhà tối đa là 10 năm tính từ thời điểm được giải ngân lần đầu nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2026. Mức vay tối đa là 700 triệu đồng.
Lãi suất của gói vay này là 5%/năm…
Sau khi nhận được thông báo này, những người nằm trong các trường hợp trên rất vui mừng và hy vọng sẽ được tiếp cận vốn vay, để có nhà đất ở ổn định. Tuy nhiên, để vay được nguồn vốn trên là chuyện không phải dễ “nhằn”.
Chị Nguyễn Thị T.H. (trú đường Kim Đồng, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết, vợ chồng chị lấy nhau được 2 năm nay, chị làm tư nhân nhưng chồng chị làm viên chức. Cả 2 đều tự thân lập nghiệp vì quê ở tận Hà Tĩnh, cuộc sống gia đình khó khăn nên vợ chồng anh chị vẫn chưa có một mảnh đất “cắm dùi” ở tỉnh Gia Lai. Sau khi biết gói vay trên, vợ chồng anh chị rất vui mừng, nghĩ rằng sẽ được vay tiền để mua đất, xây nhà. Tuy nhiên, khi lên hỏi thì chị nhận được trả lời không được vay vì không có tài sản để đảm bảo cho việc trả nợ.
Chị Lê Thị T. (trú phường Hoa Lư, TP Pleiku) cho biết, chị có 1 lô đất mua với giá 150 triệu đồng. Khi chị T. đặt vấn đề thế lô đất để vay khoảng 200 triệu đồng để sửa chữa nhà thì bị từ chối. Lý do giá trị của lô đất quá thấp để vay 200 triệu đồng, vì khách hàng chỉ được vay số tiền tương đương với 70% giá trị tài sản.
Để hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, năm 2014, chính quyền tỉnh Gia Lai đã bán hàng trăm lô đất cho các hộ gia đình thu nhập thấp chưa có đất. Mỗi hộ được mua1 lô đất 150m2 với giá rất ưu đãi 42 triệu đồng/lô và nợ trong vòng 5 năm. Nhiều người may mắn được mua đất rất vui mừng, tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn chưa xây được nhà.
Vì vậy, sau khi nhận được thông báo gói vay trên của ngân hàng, nhiều người đã mang quyết định giao đất tới vay tiền nhưng bị từ chối vì giá trị đất quá thấp, đất chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm được giao đất…
Trước vấn đề này, đại diện ngân hàng thừa nhận, đã có nhiều người đến ngân hàng hỏi vay gói vay trên nhưng tính đến nay vẫn chưa ai có thể vay được. Vì những thủ tục của các khách hàng vẫn chưa đủ điều kiện, tính pháp lý nên chưa thể vay được.
Cũng theo đại diện ngân hàng, hồ sơ vay vốn của các hộ dân không có tài sản để đảm bảo gói vay; giá trị tài sản quá thấp so với mức vay; tiền lương quá thấp không đủ để đảm bảo việc trả nợ… Mặt khác, tại Gia Lai chưa có nhà ở xã hội, nên những đối tượng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể vay để mua nhà được. Vì theo quy định là mua nhà ở xã hội.
“Tính đến nay mới có 1 khách hàng đủ mọi điều kiện để vay, tuy nhiên chị này vay 300 triệu đồng, mà mức lương hiện tại chỉ có 3 triệu đồng. Hàng tháng ngân hàng phải thu cả vốn và lãi là 60% lương, nên tính đến 10 năm sau thì số lương của khách hàng này vẫn chưa đủ để trả nợ gói vay nên không được vay”, một nhân viên phòng Thế nhân cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, những người thu nhập thấp ở Gia Lai được vay tiền trong gói 30 nghìn tỷ đang rất khiêm tốn, hạn chế.
Việc người dân chưa có đất nhưng không được vay tiền để mua đất vì trong quy định là phải mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ở Gia Lai lại chưa có khu nào là nhà ở xã hội. Trước đây, ngân hàng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng khu nhà ở xã hội để bán cho người thu nhập thấp chưa có nhà theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Nhưng UBND tỉnh Gia Lai không đồng ý vì cho rằng chưa phù hợp với địa bàn tỉnh, vì vậy UBND tỉnh đã quy hoạch khu đất để bán nợ và giá rẻ cho người thu nhập thấp.
Chính vì vậy, việc giúp người thu nhập thấp của tỉnh Gia Lai có nhà ở mới chỉ thực hiện được một nửa. Và theo ông Cư, việc ngân hàng không chấp nhận cho người thu nhập thấp được cấp đất ở khu đất thu nhập thấp vay tiền làm nhà là chưa đúng.
Ông Cư cho biết, trong thời gian tới sẽ đề nghị các đơn vị ngân hàng có khó khăn, vướng mắc gì trong việc thực hiện gói vay trên thì phản ánh về Ngân hàng Nhà nước, để có những điều chỉnh phù hợp giúp người dân có thể tiếp cận được gói vay.