07/07/2012 9:29 AM
Không như kỳ vọng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh BĐS từ cuối năm 2011 về một thị trường sẽ ấm trở lại từ quý II/2012, diễn biến và kết quả thực tế của thị trường trong nửa đầu năm hiện lên với nhiều giảm sút mà vẫn chưa thấy đà bật lên của các tháng cuối năm.

Những con số lùi

Lĩnh vực BĐS – xây dựng có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng cao trong 4 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5, tính đến cuối tháng 4/2012 thì tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong ngành xây dựng và BĐS lần lượt là 3.798 và 212 doanh nghiệp, giảm 23,9% và 54,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể gồm 3.123 doanh nghiệp xây dựng, 247 doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể của ngành so với cùng kỳ năm 2011, tăng 16% - chiếm 3,9% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, còn lĩnh vực kinh doanh BĐS, tính ra tăng 0,1% - chiếm 4,7% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cuối năm 2011 nhưng bài toán đầu ra của thị trường chưa có lời giải, câu chuyện thiếu vốn cho sản xuất, cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp được đánh giá ở mức độ nghiêm trọng. Doanh nghiệp phần lớn không đủ tiêu chuẩn để có thể tiếp cận tín dụng, lãi suất cho vay tuy giảm từ trên 20% thời điểm năm 2011 xuống dưới ngưỡng này, nhưng vẫn còn quá xa vời để doanh nghiệp nghĩ tới chuyện vay vốn.

Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, riêng thị trường Hà Nội, 6 tháng đầu năm có rất ít giao dịch thành công. Có những dự án bất động sản giảm tới 50% so với thời điểm thị trường sốt đỉnh điểm ở quý 1/2010 nhưng do pháp lý và tiến độ thực hiện chậm, lại xa trung tâm nên vẫn không được người mua đoái hoài.

Thông tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm, đồng thời đưa BĐS ra khỏi danh mục lĩnh vực hạn chế cho vay có tác dụng khiến một số người có nhu cầu thực quan tâm, nhưng giao dịch không đáng kể. Phần lớn người dân và nhà đầu tư đang dè dặt, chưa có niềm tin vào thị trường, chờ đợi giá cả hạ hơn nữa.

Ở phía Nam, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - Nguyễn Tấn Bền góp thêm, thành phố có 860 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích khoảng 8.600 ha, quy mô 325 ngàn căn hộ, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên hầu hết dự án đều chậm tiến độ so với quy định. Trong đó khoảng 50% dự án chưa triển khai và tạm dừng do chủ đầu tư thiếu vốn vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi mục tiêu đầu tư…

6 tháng đầu năm, thành phố chỉ có 5 dự án phát triển nhà ở được chấp thuận đầu tư với tổng mức 6.500 tỷ đồng – giảm 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, chỉ có 7 dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp cho thị trường 1.313 căn hộ. Hiện nay thị trường vẫn đang tồn đọng khoảng 20.000 căn hộ chung cư.

“Suy thoái hiện nay của thị trường BĐS là hệ quả của tăng trưởng nóng và tình trạng đầu cơ của các nhà đầu tư trong giai đọan 2006 – 2007 mà hệ lụy của nó là vô cùng lớn, kéo dài cho đến nay mà vẫn chưa có giải pháp giải quyết hữu hiệu” – ông Bền đúc rút.

Khó khăn còn dài

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Thị trường BĐS dự báo trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sôi động ngay được. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục đối mặt với vấn đề tài chính và thị trường, các doanh nghiệp xây dựng thiếu việc làm. Những doanh nghiệp không cân đối được dòng tiền để trả nợ vay và duy trì sản xuất có thể dẫn đến phá sản…”.

Ông Nguyễn Đăng Nam - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) cho hay, mặc dù nỗ lực, đồng loạt triển khai các giải pháp nhưng kết quả 6 tháng đầu năm của HUD chỉ đạt 30-40% kế hoạch, nhiều chỉ tiêu như giá trị đầu tư, diện tích sàn nhà ở, lợi nhuận trước và sau thuế đạt 26-29% đặt ra.

Trước thực trạng người mua nhà hiện nay vẫn đứng ngoài thị trường và kỳ vọng vào mức giảm giá hơn nữa dù cho nhiều dự án căn hộ tại Hà Nội đã giám giá bán bằng hoặc dưới giá thành, ở mức 16-17 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có ai mua, Chủ tịch Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) - Nguyễn Ngọc Tuấn kiến nghị, Bộ Xây dựng cần có động củng cố niềm tin của người dân. Yếu tố tâm lý đang là mấu chốt của vấn đề, có vai trò quyết định không nhỏ tới thị trường thời gian tới.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.