Do không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ở các ngân hàng, nhiều cá nhân cũng như công ty đã tìm đến nguồn tín dụng đen như một giải pháp cứu nguy...
Chị Trần Thị Giang ở Ngọc Khánh (Hà Nội) cho biết, chị cần vay 400 triệu đồng trả nốt phần tiền mua nhà chung cư trả góp, nhưng đến rất nhiều ngân hàng gõ cửa đều bị từ chối.

Tại ngân hàng Đông Á, các nhân viên gợi ý nếu có cửa hàng thì chị nên chuyển sang vay diện dành cho người kinh doanh. Còn hiện tại, ngân hàng đang dừng cho cá nhân vay để mua nhà và xây dựng, sửa chữa nhà.


Còn chị Linh Chi ở Đống Đa lại cho biết, chị cũng mất cả tuần rồi cầm giấy tờ nhà đôn đáo đến mấy ngân hàng vay 1 tỷ đồng thanh toán tiền cho căn nhà mới mua nhưng không được.


"Tôi đến HDBank thì nhân viên ngân hàng này cho biết đang hạn chế cho vay bất động sản kinh doanh. Họ chỉ xem xét cho những hồ sơ vay mua nhà lần đầu. Quá cấp bách vì không vay được tiền trong khi hạn trả tiền nhà gần đến nên đành phải nhắm mắt vay nóng với lãi suất lên đến 9%/ tháng", chị Chi nói.


Người mua bất động sản chấp nhận bị 'cắt cổ'
Không khó để kiếm được văn phòng môi giới Bất Động sản cho vay nặng lãi trên địa bàn Hà Nội.


Ngoài chị Giang, chị Chi cũng còn rất nhiều người khác nữa tìm đến các văn phòng bất động sản để vay vốn mua nhà như một giải pháp cấp bách để có thể sử dụng được căn nhà mà mình mong muốn khi các ngân hàng đồng loạt thắt chặt tín dụng đối với mặt hàng bất động sản.


Bên cạnh đó cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh cần vốn nhanh cũng đã tìm đến nguồn tín dùng này, bất chấp nó có nhiều rủi ro.


Anh Thái Anh, giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết, công ty anh cũng thường xuyên cần lượng tiền lớn để xoay vòng. Tuy nhiên, nhiều khi không lo đủ thủ tục để vay ngân hàng, mà nhờ cò lo giấy tờ thì cũng mất cho cò khoảng 5-6% số tiền vay, bằng vay nóng trên chợ đen nên nhiều khi anh đã phải nhờ tới tín dụng đen với lãi suất cao lên đến 9%/ tháng.


Trao đổi vấn đề này với ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc công ty Hòa Phát Land, ông Hà cho rằng: Có hiện tượng vay nặng lãi tại các văn phòng bất động sản là do chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất từ các ngân hàng thương mại tăng lên. Thậm chí, các ngân hàng ngừng luôn không cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Khi đó xuất hiện nhiều cầu, ắt hẳn sẽ có cung.


Ông Hà cũng cho biết, việc các văn phòng môi giới BĐS thực hiện hành vi cho vay lãi là đã vượt quá chức năng nhiệm vụ.


Hơn nữa, việc cho vay lãi với mức lãi suất vượt quá quy định cũng là hành vi trái pháp luật, đây cũng là một hình thức cho vay nặng lãi và dễ dẫn đến nguy cơ người vay không đủ sức để gánh khoản lãi “cắt cổ” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.


Theo khoản 1 điều 476 Bộ luật dân sự: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Với mức lãi suất 3.000/ 1 triệu/1 ngày, tương đương 108%, (trong khi lãi suất cơ bản của NHNN là 9%), như vậy là phạm luật.

Đối với hành vi cho vay lãi nặng, nếu mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 163 - Bộ luật hình sự năm 1999 - Tội cho vay lãi nặng: “1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 01 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.


Theo K.Bang (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.