Ngày 31/8, tại buổi lấy ý kiến các cơ quan, doanh nghiệp bất động sản để hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 71 thực hiện Luật Nhà ở, dự kiến ban hành trước ngày 2/9, ông Hà nhấn mạnh hình thức huy động vốn trong đầu tư kinh doanh bất động sản đang có nhiều gợi mở tích cực.
Theo đó, Nghị định 71 quy định: cho phép góp vốn 20% (trên tổng số sản phẩm nhà ở) trước khi dự án xây xong móng nhưng lại bắt buộc chỉ cho góp một lần và không được phép chuyển nhượng. Việc không cho phép chuyển nhượng phần góp vốn là xuất phát từ thực tế rất nhiều dự án góp vốn 3-5 năm hoặc lâu hơn nhưng không triển khai. Bởi lẽ, tình trạng cứ bán qua lại đẩy giá nhà lên cao, dự án kéo dài lê thê dẫn tới quyền lợi người mua không đảm bảo, nảy sinh nhiều kiện tụng đã và đang xảy ra tại Hà Nội, TP HCM.
Trước khi mua bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư đều phải cân nhắc đến nguồn vốn đang nắm giữ để cân đối dòng tiền. Ảnh: Vũ Lê. |
Bàn về giới hạn góp vốn 20%, ông Hà cho biết: “Khi giải trình với Chính phủ, chúng tôi nêu lên đây là tạo cơ hội cho các chủ đầu tư giải quyết nhà ở cho người dân. Việc cho góp vốn chỉ một lần, tránh việc đầu cơ, người mua nhiều, người lại không có nhà. Việc chuyển nhượng phần góp vốn chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng xong móng”.
Ngoài phần góp 20% trên, chủ đầu tư chỉ được bán thông qua sàn giao dịch bất động sản số lượng nhà ở còn lại khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, xây xong phần móng, lúc đó việc mua bán không hạn chế số lượng, tất nhiên người mua sẽ nộp thuế theo quy định.
Ông phân tích thêm, trước đây các quy định đều không cho phép huy động vốn khi chưa xong móng. Ngay cả Nghị định 02 quy định Quy chế khu đô thị mới, cho phép chủ đầu tư huy động vốn khi triển khai hạ tầng nhưng cũng bị Bộ tư pháp “thổi còi”. Do đó, ông cho rằng, Nghị định 71 và thông tư hướng dẫn đã mở hơn rất nhiều thông qua việc cho phép huy động vốn qua ngân hàng, phát hành trái phiếu, chủ đầu tư thứ cấp, hợp tác kinh doanh.
Cafeland.vn - theo Vũ Lê ( VnExpress )