Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt mua 2 thửa đất liền kề ở thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích gần 350m2 vào năm 2004. Đến năm 2006, bà Nguyệt làm các thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ. Chờ đợi thời gian quá lâu vẫn chưa nhận được sổ, 5 năm trở lại đây, bà đã gõ cửa khắp nơi nhưng đều bất thành. Quá búc xúc vì quyền lợi bị ảnh hưởng, bà đã làm đơn kiến nghị lên xã và huyện nhưng vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.
Hàng trăm sổ đỏ cất trong kho- người dân mỏi mòn chờ đợi.
“Họ kêu nhà của họ tôi cũng chịu vì tôi đâu có sổ đỏ. Tôi muốn vay tiền làm ăn cũng không có sổ đỏ. Tôi còn sống chứ nếu tôi chết, con cái tôi cũng không biết đường nào. Nhờ cán bộ giải quyết chứ đi bao nhiêu năm nay tôi mệt lắm. Mỗi lần như vậy, tôi phải nhờ con chở đi, bỏ mọi việc để lo”- bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ở thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi than thở.
Xã Phổ Phong là địa phương tồn đọng nhiều Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nhất huyện Đức Phổ với hơn 200 hồ sơ. Theo giải thích của lãnh đạo địa phương, vào năm 2006, thực hiện dự án đa dạng hóa nông nghiệp nông thôn, huyện Đức Phổ thuê một đơn vị tư vấn thực hiện cấp sổ đỏ đại trà cho người dân. Tất cả các hồ sơ đều đã được lãnh đạo huyện Đức Phổ ký. Thế nhưng, khi xã mang về để cấp cho người dân thì có hơn 200 “sổ đỏ” lại không có hồ sơ gốc.
Nguyên nhân chủ yếu là không có đơn kê khai của người dân, giấy xác nhận nguồn gốc đất và biên bản xét duyệt của Lãnh đạo xã. Qua rà soát ở xã, hiện nay, hồ sơ gốc không tìm thấy nên xã không thể cấp sổ đỏ cho người dân vì sợ dẫn đến khiếu kiện. Thực tế cho thấy, có trường hợp 1 thửa đất nhưng lại có 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện UBND xã có văn bản kiến nghị huyện Đức Phổ chỉ đạo hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ông Phan Tiến Định, Chủ tịch UBND xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đối với những sổ đỏ không có hồ sơ kiến nghị cấp thẩm quyền hủy, sau đó làm thủ tục lại để cấp sổ đỏ cho người dân. Đối với tiền sử dụng đất thì huyện cần có cơ chế để giải quyết cho người dân”.
Hiện Lãnh đạo UBND huyện Đức Phổ cũng chỉ đạo xã rà soát để giải quyết hơn 200 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp không có trong danh sách xét duyệt của xã thì xã lập tờ trình đề nghị hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Sau đó, làm thủ tục lại để cấp sổ đỏ cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã 5 năm gõ cửa khắp nơi.
Ông Lê Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Để giải quyết vấn đề này, huyện yêu cầu đối với những hồ sơ có biên bản xét duyệt thì giao xã hướng dẫn người dân cấp lại, xong cơ chế cấp tại thời điểm đó. Đối với trường hợp không có hồ sơ gốc thì xã rà soát làm văn bản để hủy”.
Điều đáng nói là, khi các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy và làm hồ sơ lại từ đầu thì người dân làm nghĩa vụ tài chính phải thực hiện theo thời điểm làm lại. Như vậy, số tiền mà người dân bỏ ra để đóng phí là không nhỏ, trong khi trước đó họ đã thực hiện nghĩa vụ này. “Sổ đỏ” bị thất lạc hồ sơ gốc và không tìm thấy là lỗi của chính quyền địa phương. Vậy mà khi sửa sai, chính quyền địa phương lại đổ cái khó lên vai người dân?./.