Sau khi Báo ANTĐ đăng loạt bài “Mua nhà qua sàn: Thả gà ra đuổi” phản ánh tình trạng một số sàn BĐS dù không có chức năng bán sản phẩm song vẫn thu tiền đặt cọc của khách hàng, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và khiến thị trường BĐS càng thêm mập mờ, chúng tôi đã có buổi làm việc với Trung tá Nguyễn Hữu Đài - Phó Đội trưởng Đội Công nghiệp xây dựng - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội về vấn đề này…
Người dân cần nắm chắc thông tin

Nhiều dự án bất động sản đang được triển khai thu hút sự quan tâm của người dân

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng huy động vốn bừa bãi của các chủ đầu tư hiện nay?


Hiện nay, có khá nhiều chủ đầu tư triển khai dự án trong tình trạng thiếu vốn. Về căn bản các sàn giao dịch BĐS không có chức năng vay vốn, nhưng đa phần chủ đầu tư tìm cách huy động vốn bằng việc thông qua các sàn BĐS để ký hợp đồng góp vốn. Đây thực ra là một cách lách luật để “phù phép” cho ý đồ huy động vốn của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều sàn giao dịch BĐS còn thu tiền không đúng quy định, bán nhà khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Không ít người dân mất tiền oan cho các sàn giao dịch BĐS, theo ông, vi phạm chủ yếu của các sàn BĐS là gì ?


Hiện Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội đang tiến hành điều tra làm rõ một số doanh nghiệp quảng cáo bán nhà chưa đủ điều kiện, vi phạm vào Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ, gửi văn bản, đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông chỉ đạo, kiểm tra và xử lý 2 trường hợp vi phạm: Công ty TNHH một thành viên Quảng cáo bất động sản trực tuyến Việt Nam có trụ sở tại phòng 101, tòa nhà 262 Nguyễn Huy tưởng, quận Thanh Xuân đã đăng tải lên trang web: nhadatvideo.vn để đăng thông tin bán căn hộ 1702 - B2 tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (nhà bán cho người có thu nhập thấp) vi phạm Quyết định số 34/2010/QĐ- UBND và Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại và bất động sản Đất Việt, có trụ sở tại 26/53 Linh Lang, quận Ba Đình đã đăng trên trang web: rongbay.com, muaban.net, landdatviet.com… để rao bán nhà tại dự án Sun City tại 233 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân do Công ty Xavinco là chủ đầu tư.

Thực tế Công ty Xavinco không ủy quyền cho Công ty cổ phần Thương mại và tư vấn bất động sản Đất Việt rao bán. Mặt khác, dự án Sun City của Công ty cổ phần Thương mại và tư vấn bất động sản Đất Việt đã quảng cáo sai thực tế, tự ý ký hợp đồng đặt cọc với các khách hàng có nhu cầu mua căn hộ. Hiện hồ sơ và các tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của 2 công ty này đã được Phòng CSĐT tội phạm kinh tế - CATP Hà Nội chuyển sang Sở Thông tin - Truyền thông để tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.


Trước tình trạng “loạn” sàn giao dịch BĐS như hiện nay, cơ quan chức năng đã có những biện pháp gì để chấn chỉnh?


Liên quan đến hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, vừa qua Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an kiểm tra 60 sàn BĐS trong đó phát hiện 29 sàn vi phạm. Cụ thể, sáng 3-6, tại sàn giao dịch Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC có trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, lực lượng CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang 3 cán bộ, nhân viên công ty này đang nhận số tiền chênh lệch lớn trong vụ mua bán căn hộ do UDIC làm chủ đầu tư. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, tại sàn UDIC đã tiến hành giao dịch thành công 7/12 căn hộ liền kề thấp tầng tại dự án khu K thuộc khu nhà Yên Hòa - Cầu Giấy (Hà Nội), thu số tiền "vênh" hàng chục tỷ đồng. Trước đó, ngày 7-3, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt quả tang Tạ Tất Toàn, SN 1975, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đài Việt cùng đồng bọn đang sử dụng tài liệu giả, ký hợp đồng bán lô đất ở Dương Nội tại sàn Galaxy trên đường Lê Văn Lương, chiếm đoạt của khách hàng hàng tỷ đồng.


Ông có thể đưa ra một số lời khuyên cho người dân khi thực hiện những giao dịch tại các sàn BĐS?


Thực tế, người mua vẫn bị động trong việc nắm bắt thông tin dự án và hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật dẫn đến những kiểu mua bán theo phong trào và thường thì khách hàng là người chịu thiệt. Bên cạnh một số chủ đầu tư công khai những thông tin cụ thể về dự án, về sàn giao dịch được phép rao bán hàng hóa cho khách hàng thì vẫn còn không ít những sàn giao dịch đưa thông tin sai sự thật hoặc không công khai, gây thiệt hại cho khách hàng. Mặt khác, nhiều sàn BĐS tuy không được chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy quyền song vẫn rao bán các sản phẩm cho khách hàng để thu tiền đặt cọc, tiền chênh lệch.

Để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, người dân nên tìm hiểu, lựa chọn kỹ lưỡng khi có nhu cầu mua, bán nhà, đất tại các sàn giao dịch BĐS, chỉ thực hiện giao dịch tại những sàn giao dịch BĐS có đủ tư cách pháp nhân, tìm hiểu kỹ về dự án, chủ đầu tư, thậm chí phải đến tận nơi xem dự án đó ở đâu, chủ đầu tư là đơn vị nào… để có những thông tin đầy đủ, chính xác. Khách hàng cũng có thể kiểm tra thông tin bằng cách gọi điện thoại trực tiếp cho chủ đầu tư dự án.

Nếu phát hiện những dấu hiệu sai phạm, khách hàng nên gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có chức năng như: Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội để các cơ quan này điều tra, xác minh, làm rõ những sàn giao dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

  • Mua nhà qua sàn: “Thả gà ra đuổi”

    Mua nhà qua sàn: “Thả gà ra đuổi”

    Bài 1 : Niềm tin đặt nhầm chỗ Do không tìm hiểu kỹ, ông V.P (ở quận Thanh Xuân) và ông N.T.H (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) đã mang tiền đến nộp cho một sàn bất động sản không có chức năng chuyển nhượng nhà đất tại dự án khu đô thị mới Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hậu quả là ông P, ông H đã bị mất số tiền hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc.

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0