Hàng nghìn m2 đất của người dân tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu được Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho Dự án Chợ đầu mối rau quả phường Sở Dầu với giá 0 đồng. Sau đó, doanh nghiệp xây dựng bán ki ốt tiền tỷ khiến người dân bức xúc.

Thu hồi 'đất vàng' giá 0 đồng

Theo đơn thư phản ánh gửi đến báo Tiền Phong, nhiều hộ dân sinh sống tại Tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng bức xúc trước việc Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Chợ đầu mối rau, quả phường Sở Dầu với giá 0 đồng cho hàng nghìn m2.

Gia đình ông Đồng Duy Nhiên (tổ Kiến Thiết 3, phường Sở Dầu) bị thu hồi 342 m2 đất. Theo ông Nhiên, thửa đất này ông mua lại của ông Bùi Hữu Thứ (tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu) vào năm 1987. Tuy nhiên, khi GPMB, Trung Tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng lập phương án bồi thường áp giá 0 đồng và không tổ chức tái định cư.

Bức xúc, ông Nhiên cho rằng việc đền bù diễn ra không thoả đáng giữa các hộ dân bị thu hồi đất. Cùng trên 1 lô đất nhưng ông Thứ được đền bù tiền là 3 triệu đồng/m2 và cấp 3 lô đất tái định cư (dù trên sổ sách vẫn giá là thu hồi giá 0 đồng – PV). Nhưng gia đình ông Nhiên bị gỡ bỏ 3 ngôi nhà, lấy toàn bộ diện tích đất với giá 0 đồng.

Hàng trăm m2 đất vàng gia đình ông Nhiên đã được xây dựng thành 3 ngôi nhà cấp 4 kiên cố bị thu hồi với giá 0 đồng.

Theo ông Nhiên, gia đình giao dịch mua bán đất từ năm 1987 và đã sử dụng ổn định, đóng các loại thuế phí đất phi nông nghiệp từ đó cho đến nay.

Ông Bùi Hữu Thứ (tổ Kiến Thiết 3, Phường Sở Dầu) là người bán đất cho ông Nhiên cho biết: “Năm 1985 gia đình tôi sở hữu hàng nghìn m2 có nguồn gốc là do bố mẹ tôi khai hoang từ trước năm 1959. Quá trình sinh sống, do kinh tế khó khăn, tôi đã chuyển nhượng một phần đất cho các hộ dân khác, trong đó chuyển nhượng cho ông Đồng Duy Nhiên một phần đất có nhà ở vào năm 1987, và gia đình ông Nhiên đã sử dụng đất ổn định từ đó cho đến nay”.

Thửa đất bị thu hồi của gia đình ông Nhiên có nguồn gốc từ giao dịch mua bán đất từ năm 1987 và đã sử dụng ổn định, đóng các loại thuế phí đất phi nông nghiệp từ đó cho đến nay

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi Chợ đầu mối rau, quả xây dựng xong, các khu đất bị thu hồi với giá 0 đồng đã được quy hoạch và xây dựng thành những khu nhà thương mại thấp tầng với giá nhiều tỷ đồng/căn.

Mập mờ phương án đền bù

Theo tài liệu ông Nhiên cung cấp, ngày 20/10/2017 Trung Tâm phát triển quỹ đất Q. Hồng Bàng đã lập ra 3 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB thực hiện dự án chợ đầu mối rau quả cho ông Nhiên và 2 người con của ông. Cả 3 phương án bồi thường đều áp giá 0 đồng cho tổng diện tích thu hồi 342 m2 của gia đình.

Tuy nhiên, trước đó năm 2006, Phòng Tài nguyên Môi trường Q. Hồng Bàng đã lập phương án đền bù, hỗ trợ GPMB thực hiện Khu công nghiệp vừa và nhỏ tại phường Sở Dầu. Gia đình ông Nhiên thuộc diện thu hồi đất. Tại bảng biểu phương án đền bù đã xác định rõ ràng 342 m2 đất của gia đình ông Nhiên là đất ở được sử dụng từ trước năm 1980.

Diện tích giải phóng mặt bằng cho Dự án Chợ đầu mối rau quả phường Sở Dầu với giá 0 đồng, sau đó doanh nghiệp xây dựng bán ki ốt tiền tỷ khiến người dân bức xúc.

Thực tế, không chỉ gia đình ông Nhiên mà phường Sở Dầu hiện có tới 16 hộ gia đình bị thu hồi đất với giá 0 đồng đang tiến hành khiếu nại. Cụ thể, như trường hợp của bà Hoàng Thị Oanh có thửa đất hơn 800 m2 nhưng khi đo đạc, đền bù chỉ 346 m2 với mức giá 100 nghìn đồng; gia đình ông Nguyễn Phú Thịnh bị thu hồi 222 m2 nhưng chỉ tính 112 m2 với giá 100 nghìn đồng/ m2; Bà Nguyễn Thị Nga bị thu hồi 388 m2 nhưng chỉ tính 348 m2 với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2; ông Đinh Tuấn Anh bị thu hồi 250 m2 chỉ tính 147 m2 với giá hỗ trợ 100 nghìn đồng/ m2 …

Mập mờ phương án đền bù

Ngày 20/10/2017, Trung Tâm phát triển quỹ đất Q. Hồng Bàng đã lập ra 3 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB thực hiện dự án chợ đầu mối rau, quả cho ông Nhiên và 2 người con của ông. Cả 3 phương án bồi thường đều áp giá 0 đồng cho tổng diện tích thu hồi 342 m2 của gia đình ông Nhiên.

Tuy nhiên, trước đó, năm 2006, Phòng Tài nguyên Môi trường Q. Hồng Bàng đã lập phương án đền bù, hỗ trợ GPMB thực hiện Khu công nghiệp vừa và nhỏ tại phường Sở Dầu. Gia đình ông Nhiên thuộc diện thu hồi đất. Tại bảng biểu phương án đền bù đã xác định rõ ràng 342 m2 đất của gia đình ông Nhiên là đất ở được sử dụng từ trước năm 1980.

Việc Trung Tâm phát triển quỹ đất Q. Hồng Bàng lập phương án đền bù, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án Chợ đầu mối rau quả năm 2017 lại mâu thuẫn với chính quyết định trước đó (2006) của Phòng TNMT Q. Hồng Bàng.

Dự án đang được thanh tra lại

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Khánh - Phó chủ tịch phường Sở Dầu cho biết: UBND phường đã đề nghị Sở TNMT, UBND Quận xem lại đất đai của ông Thứ, ông Nhiên. Theo đó, ông Thứ khai hoang khoảng 2 ha, trong đó 1 phần đất liền và 1 phần là ao. Tất cả diện tích này đều nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án. Mặc dù, có diện tích nằm ngoài chỉ giới dự án, tuy nhiên vẫn thu hồi để thực hiện việc tái định cư cho các hộ dân.

"Trên thực tế, đất của bà Giao (mẹ ông Thứ) khai hoang sử dụng từ năm 1972, năm 1983 bà Giao cho ông Thứ sử dụng và đã xây dựng một căn nhà 30 m2 trên diện tích khai hoang là 350 m2. Sau đó, ông Thứ xây dựng tiếp 3 gian nhà, từ 1995 đến 2001 cho các thành viên trong nhà sử dụng. Chúng tôi khẳng định là đúng ông Thứ chuyển nhượng cho ông Nhiên từ năm 1987 nhưng được xác định là ao chứ không phải là đất thổ cư", ông Khánh nói.

Về mâu thuẫn giữa hai phương án hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho gia đình ông Nhiên (phương án năm 2006 do Phòng TNMT Quận Hồng Bàng lập và phương án bồi thường năm 2017 do Trung Tâm phát triển quỹ đất Q.Hồng Bàng lập) ông Khánh cho rằng đó là bản dự thảo của Quận, chứ chưa xác định nguồn gốc sử dụng đất.

Khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về dự án, bồi thường, đại diện phường Sở Dầu cho rằng, theo thẩm quyền phường chỉ có chức năng xác định nguồn gốc, phục vụ việc lập phương án bồi thường. Về pháp lý dự án, hồ sơ bồi thường thì các anh phải lên quận.

Trần Thị Thu Hồng, Chánh văn phòng UBND Quận Hồng Bàng, cho biết: Hiện tại UBND TP. Hải Phòng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra lại dự án. Vì vậy, chưa có gì để cung cấp, trao đổi với báo chí.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Lê Đình Chinh (Văn phòng Luật sư 24h – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, nếu như đất của gia đình ông Nhiên có nguồn gốc là đất lấn chiếm nhưng ông Nhiên cũng đã sử dụng ổn định từ trước năm 1993, thì vẫn đủ điều kiện cấp GCN QSDĐ theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP: “Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng đã có nhà ở và sử dụng đất ổn định trước 15/10/1993”.
Bình Minh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.