12/03/2014 8:01 AM
Xác định cảng hàng không quốc tế Long Thành là “đại dự án”, tỉnh Đồng Nai đang tăng tốc triển khai các bước để giải tỏa mặt bằng, di dời 17.000 người dân ở 6 xã... nhưng gặp không ít vấn đề nan giải

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt, đặt tại tỉnh Đồng Nai và đang chờ ý kiến của Quốc hội. Tuy nhiên, hiện Đồng Nai đã chuẩn bị các bước để giải tỏa mặt bằng, đền bù, tái định cư… dự án này.

Không hề đơn giản

Tại cuộc họp mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai xác định công tác di dời, tái định cư dự án sân bay Long Thành phải được xây dựng thành một đề án. Theo đó, đây là dự án đặc biệt, là “đại dự án”, quá trình chuẩn bị không hề đơn giản. Khi triển khai di dời, người dân 6 xã thuộc huyện Long Thành, gồm: Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Long Phước, Bàu Cạn phải có chỗ ở mới.

Nhiều người dân ở khu vực dự án sân bay Long Thành không khỏi lo lắng khi cuộc sống, việc làm xáo trộn

Trong số gần 5.400 hộ dân với tổng cộng khoảng 17.000 người sẽ phải di dời, tái định cư để lấy mặt bằng thực hiện dự án sân bay Long Thành, có đến gần 15.000 người trong độ tuổi lao động. Để ổn định cuộc sống của người dân sau khi bị di dời, tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị 2 dự án tái định cư nằm trên 2 xã Lộc An và Bình Sơn, mỗi khu rộng hơn 280 ha. Hai dự án này có tổng số vốn đầu tư hơn 4.100 tỉ đồng.

UBND huyện Long Thành cho biết những hộ dân trong diện di dời đa số đều làm rẫy hoặc công nhân cao su, số ít kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, hiện quỹ đất của huyện đã hết, không thể bố trí đất sản xuất cho những người này.

Ông Ngô Thế Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, băn khoăn: “Vấn đề giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân sau tái định cư là khá nan giải. Vì vậy, huyện đề nghị các doanh nghiệp khi triển khai xây dựng phải lưu ý ưu tiên tuyển công nhân địa phương, nhất là người trong diện di dời”.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết đã có phương án ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương trong quá trình xây dựng sân bay Long Thành và cả khi công trình này đi vào vận hành. Cùng với đó, nhiều cấp, ngành địa phương cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện dạy nghề miễn phí cho lao động trong khu vực dự án. Sau khi được đào tạo nghề, số lao động này sẽ được tạo việc làm trong các khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại đã và sẽ mọc lên xung quanh khu vực sân bay Long Thành.

Theo ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Tỉnh ủy đã giao sở chủ trì xây dựng đề án bố trí tái định cư, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân trong diện di dời, giải tỏa để nhường chỗ cho dự án sân bay Long Thành. “Tỉnh Đồng Nai coi đây là một dự án tái định cư đặc biệt, quy mô có thể ngang bằng với công trình thủy điện Sơn La. Vì thế, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời phải nhờ cả Chính phủ xem xét, hỗ trợ” - ông Đức cho biết.

Nửa mừng, nửa lo

Trước viễn cảnh trên địa bàn sẽ có một công trình tầm cỡ quốc tế được xây dựng, nhiều người dân trong khu vực dự án tỏ ra rất hào hứng. Họ vui mừng vì sẽ được “ăn theo” sân bay quốc tế, đời sống gia đình và con cái sau này cũng hứa hẹn sẽ khá hơn.

Thời gian qua, trong khi thị trường bất động sản vẫn đóng băng, có tin cho biết nhiều đại gia đã kéo đến Long Thành “xí phần” đất xung quanh khu vực dự án. Giá đất theo đó cũng nhanh chóng được thổi lên.

Tuy nhiên, nhiều nông dân, công nhân trong vùng vẫn ngổn ngang nỗi lo trước việc cuộc sống bị xáo trộn, công ăn việc làm không ổn định. Bà Lê Thị Hai - ngụ ấp 3, xã Suối Trầu - cho biết vợ chồng bà và mấy người con trước giờ vẫn sống bằng nghề làm rẫy. “Sau này nhà bị giải tỏa, gia đình tôi chưa biết sẽ xoay xở, đối mặt với cuộc sống mới thế nào” - bà lo lắng. Tại xã Long An, vợ chồng anh Trần Văn Chiến đều là công nhân cao su. “Nếu giải tỏa nhà cửa, di dời chỗ ở thì vợ chồng tôi cũng chưa biết sẽ chuyển sang nghề gì để sống” - anh Chiến rầu rĩ...

Để trấn an người dân, ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định với dự án sân bay Long Thành, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc tái định cư, ổn định cuộc sống cho bà con, trong đó bao gồm cả các vấn đề về trường học, trạm y tế… “Phải tìm phương án tốt nhất để người dân không chỉ ổn định cuộc sống mà còn có thu nhập khá. Người dân đã nhường đất phục vụ việc xây dựng sân bay hoành tráng mà cuộc sống của họ lại khó khăn hơn trước thì không thể chấp nhận được. Người dân có quyền được hưởng lợi từ dự án này…” - ông Phúc bày tỏ.

Còn nhiều ý kiến bàn cãi

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đặt tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM khoảng 40 km, dự kiến hoàn thành năm 2020. Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm, đây sẽ là sân bay lớn nhất nước và có quy mô tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, nhiều ý kiến vẫn còn bàn cãi xung quanh việc có nên xây dựng công trình hoành tráng này hay không hoặc tại sao không xem xét mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vì sẽ đem lại nhiều lợi ích trước mắt hơn...

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì tương lai vẫn khó đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế. “Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng hệ thống giao thông liên quan thì phải di dời khoảng 100.000 người dân, chưa kể vấn đề tiếng ồn vẫn ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư đông đúc quanh sân bay này. Trong khi đó, với sân bay Long Thành thì di dời dân ít, vùng quy hoạch chủ yếu trồng cao su và công tác bồi thường, tái định cư đã được chuẩn bị sẵn...” - ông Vĩnh so sánh.

Xuân Hoàng (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.