Trước tình trạng đơn nguyên 3, chung cư C8 Giảng Võ được đánh giá là nguy hiểm cấp D, Thành phố đang có chỉ đạo khẩn trương di dời người dân để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, xung quanh chuyện này, người dân vẫn có nhiều bức xúc và lo lắng.

Chính quyền bảo nguy hiểm, dân bảo “còn tốt chán”

Trong những ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về việc nhà chung cư C8 Giảng Võ đã xuống cấp nghiêm trọng, trong trong riêng đơn nguyên 3 đã ở mức cấp 4, cấp nguy hiểm có thể đổ sập. Thực tế, quá trình kiểm tra, thị sát và tính toán của cơ quan chức năng Thành phố cũng kết luận, việc tiếp tục sống trong ngôi nhà này là rất nguy hiểm và cần phải khẩn trương di dời người dân để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng đang khẩn trương thúc giục và chuyện di dời có vẻ như phải thực hiện trong ngày một ngày hai thì chính những người dân đang sống tại nhà C8 lại không hề muốn đi ra khỏi khu nhà nguy hiểm này.

Sáng 18/7, vừa nhìn thấy PV, chị Bích, sống tại phòng 415, đơn nguyên 3 (đơn nguyên được đánh giá là nguy hiểm cấp độ D) đã nói ngay: Nguy hiểm gì đâu, chúng tôi vẫn đang sinh sống bình thường. Chỉ có cái cầu thang là bị nứt thì đã được gia cố rồi. Cứ ở thế này 10 năm nữa vẫn không sao!”

Trong khi đó, vừa dẫn phóng viên đi dọc hành lang tầng 3, anh Nguyễn Văn Thu (phòng 318) vừa chỉ lên những viên gạch và tường nhà để chứng minh rằng, ngôi nhà vẫn “chưa đến nỗi nào”. Theo anh Thu, nhiều khu nhà thu nhập thấp hoặc giãn dân dù mới xây nhưng chất lượng cũng chưa chắc đã tốt bằng khu nhà được cho là nguy hiểm này.

Sau gần 40 năm sinh sống ở đây, người dân đang rất hoang mang vì không biết sẽ phải di dời đi đâu và bao giờ được quay trở lại

Hoang mang lo phải di dời

Thái độ của chị Bích, anh Thu và một số người dân khác khiến PV khá ngạc nhiên bởi theo kết luận kiểm tra của Thành phố thì đơn nguyên 3 của nhà này đã ở mức rất nguy hiểm. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi rằng, họ có lo lắng không khi phải sống trong một chung cư cũ đã có nhiều biểu hiện xuống cấp như vậy thì mọi người cũng thú nhận rằng, “lo thì có lo, nhưng thà ở đây còn hơn là phải đi tá túc ở nơi cách đây cả chục cây số trong tình trạng chưa biết ngày trở về”.

“Nhà này mọi chỗ vẫn ổn, chỉ có cầu thang nứt từ lâu rồi. Cách đây vài năm chúng tôi đã có ý kiến, nếu chính quyền quan tâm thì họ phải đến gia cố ngay. Giá mà họ làm sớm thì giờ nó không nứt ra như thế.” – chị Bích phàn nàn.

Người dân nhà C8 Giảng Võ cho rằng, cầu thang đơn nguyên 3 đã xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng không được quan tâm sửa chữa

Tâm lý lo lắng, hoang mang của người dân cũng rất dễ hiểu, bởi nhà C8 Giảng Võ nằm ở vị trí trung tâm Thành phố, trên địa bàn có các trường học nổi tiếng như trường mầm non Hoa Sen, trường Cấp I Kim Đồng, Cấp II Giảng Võ. Từ địa điểm này đi đến các bệnh viện như bệnh viện Sanh pôn, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện phụ sản... đều rất thuận tiện. Trong khi đó, chất lượng xây dựng cũng như hạ tầng cơ sở tại các khu giãn dân, khu tái định cư cũng là điều khiến họ lo lắng.

“Chúng tôi ở đây hầu hết là từ khu Đại La chuyển về. Ngày ấy nhà nước thu hồi đất và chuyển chúng tôi về đây. Mấy chục năm ở nhà thuê, giờ vừa có sổ đỏ lại bảo di dời. Mà di dời đi đâu? Trẻ con sẽ đi học ở đâu? Người già mỗi tháng lĩnh lương hưu như thế nào? Làm gì để kiểm sống? di dời tạm là bao lâu? Bao giờ được trở về? Nhà này có xây lại không? Bao giờ xây? Xây lại thì quyền lợi của các hộ dân như thế nào?... Tất cả những điều đó phải công khai rõ cho người dân biết để chúng tôi khỏi hoang mang.” – chị Bích bức xúc nói.

Mối lo lắng của chị Bích cũng chính là mối lo lắng, thậm chí là sự bất bình của người dân chung cư C8 Giảng Võ.

“Cái nhà không phải tự nhiên nó xuống cấp bất ngờ. Cách đây vài năm đã được đánh giá là nguy hiểm cấp độ C. Vậy mà họ chả làm gì, chẳng chuẩn bị gì cho dân. Bây giờ đánh đùng một cái lại bảo dân di dời. Làm như vậy là thiếu trách nhiệm với dân. Làm gì cũng phải có lộ trình. Không chỉ nhà này mà còn những nhà chung cư khác cũng vậy. Tuổi thọ của mỗi căn nhà là bao nhiêu và bao giờ thì không ở được... đều có thể tính toán trước.” – anh Thu nói.

Một điều khiến người dân ở đơn nguyên 3 lo lắng chính là kết luận chỉ có đơn nguyên này nguy hiểm cấp độ D phải di dời, 2 đơn nguyên còn lại vẫn ở được.

“Như vậy, nếu chúng tôi phải di dời, còn những hộ ở 2 đơn nguyên kia ở lại thì có nghĩa là chưa có kế hoạch xây dựng lại nhà này. Điều này đồng nghĩa với việc ngày trở về của chúng tôi rất mù mịt. Làm sao chúng tôi yên tâm được?” - một người dân ở tầng 4, đơn nguyên 3 lo lắng nói.

“Nhà báo cứ nói hộ với Lãnh đạo Thành phố rằng, cả 3 chục hộ chúng tôi đều rất cảm ơn Nhà nước đã quan tâm lo lắng cho sự an toàn của người dân. Nhưng chúng tôi muốn được bày tỏ nguyện vọng là: Một: Phải có kế hoạch rõ ràng là nhà này sẽ được xây dựng lại như thế nào? quyền lợi của chúng tôi ra sao. Hai: Di dời đi đâu cũng phải ở nơi thuận tiện cho việc học hành và sinh hoạt (tốt nhất là hỗ trợ tiền để chúng tôi tự tìm nơi thuê ở cho phù hợp); Ba: dứt khoát chúng tôi phải được quay trở lại khu nhà này dù nó được xây mới hay gia cố, sửa chữa” -một phụ nữ nhắn gửi.

Tuệ Khanh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.