Cơ quan chức năng đã và đang tiến hành những giải pháp để khơi thông các dòng kênh thoát nước đã bị lấn chiếm quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Cùng với việc giải quyết bài toán ùn tắc thì tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, việc chống ngập cũng là một bài toán nan giải. Hiện các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khơi thông các dòng kênh thoát nước đã bị lấn chiếm nhiều năm ở khu vực quanh sân bay, đặc biệt là kênh A41. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm kênh rạch, gây ảnh hưởng đến việc thoát nước.
Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay có 3 hướng thoát nước chính là ra phía Bắc là qua kênh Tham Lương, ra phía Đông Nam qua kênh Nhật Bản và thoát nước ra phía Nam qua kênh A41.
Đài kiểm soát không lưu tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. (Ảnh Dân trí)
Hiện nay, hướng Nam qua kênh A41 ra đường Phan Thúc Duyện, đường Cộng Hòa đang bị ách tắc nhất và dẫn đến ngập cục bộ ở sân đậu và đường lăn sân bay. Từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa khoảng 850m, xuyên qua khu dân cư Phường 4, quận Tân Bình. Thực tế là kênh mương này đã bị lấn chiếm nhiều năm. Bờ mương nguyên thủy trước giải phóng rộng từ 6 đến 8m nhưng nay đã bị lấn chiếm gần hết, có chỗ chỉ còn nửa mét.
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo nhiều biện pháp để khơi thông dòng chảy. Dự kiến cần khoảng 300 tỷ đồng và rất nhiều thời gian để giải tỏa. Vì thế, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị dồn lực mở rộng, khơi thông 5, 6 nút thắt chính là những chỗ eo hẹp hẳn lại làm cản dòng nước: "Khơi thông mở rộng những nút thắt đó thì nó cũng khôi phục tương đối dòng chảy. Để trước mắt tạo dòng chảy thì đỡ rất nhiều trong thoát nước. Năm qua chúng ta tập trung nạo vét, khơi thông thì dòng chảy đỡ. Ngập vẫn ngập nhưng mà thoát nước nhanh hơn".
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, sau khi thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư kênh A41 thì quận đã trình sở, ngành duyệt dự án đầu tư. Dự án này có 179 trường hợp bị ảnh hưởng và quận đã khảo khát kiểm kê, ban hành thông báo thu hồi đất. Theo tiến độ thì đến cuối năm sẽ hoàn thành thủ tục thu hồi đất và Quí I/2018 bàn giao mặt bằng để xây dựng và cuối năm 2018 sẽ hoàn thành kênh A41. Tuy nhiên, khó khăn là tình trạng pháp lí đất có nhiều giai đoạn khác nhau, rất khó xác minh khi có những nhà nằm hẳn trên lòng kênh.
Còn trước mắt, quận Tân Bình phối hợp với Trung tâm Chống ngập và Công ty Thoát nước đô thị khơi thông dòng chảy định kỳ, thường xuyên ra quân ngày chủ nhật xanh, khơi thông chỗ tắc nghẽn, dọn rác.
Trong khi đó, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho rằng không có cơ quan chức năng nào có quyết định cấp đất sát mương, địa phương cũng không bao giờ cấp chứng nhận như thế, vì thế cần phải xử lí ngay những trường hợp lấn chiếm mương. "Những hộ nào lấn quá đáng chúng ta có thể xử lí ngay thì vấn đề thoát nước cơ bản giải quyết được 50%", ông Mậu cho biết.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với việc cần phải xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm kênh rạch. Đây là những trường hợp vi phạm nên phải xử lý chứ không chờ. Ông Tuyến đề nghị quận Tân Bình lập phương án tiến độ chặt chẽ, đúng qui định, rà soát lại đất kênh bị lấn chiếm để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong vòng một tuần. Cần thiết lãnh đạo thành phố sẽ khảo sát thực tế để làm trước việc khơi thông các nút thắt để khơi thông dòng chảy trước mắt, song song với đó là thực hiện dự án tổng thể.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết: "Quận Tân Bình phải rà soát ngay các hộ lấn chiếm kênh rạch, ách tắc thoát nước. Thủ tục pháp lí là bồi thường, hỗ trợ các trường hợp mà mình cấp đất nhưng bây giờ không phù hợp việc quản lý sân bay. Còn lấn chiếm kênh rạch là câu chuyện khác".
Phó Chủ tịch cũng cho rằng, để giải quyết bài toán chống ngập ở khu vực trong sân bay cũng như toàn thành phố, rất cần sự chung tay của tất cả mọi người dân. Bởi theo phân tích của các chuyên gia, nếu khơi thông lại các kênh rạch tự nhiên của thành phố thì tình trạng ngập nước sẽ giảm đến 50%./.
Hà Khánh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.