27/09/2014 7:53 PM
Trước những tranh luận về phương án thuế nhập khẩu của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) và chuẩn bị lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện cam kết các FTA đối với ngành sắt thép sắp tới, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam - ông Hồ Nghĩa Dũng xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, vừa qua có những tranh luận về thông tin liên quan đến ngành Thép đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) có hiệu lực. Bộ Công Thương khẳng định doanh nghiệp (DN) thép nội lo lắng thiếu cơ sở. Ông có ý kiến gì với khẳng định này?

Nếu đưa về ngay thuế suất 0% trong năm 2015, các DN thép có mặt hàng đã sản xuất được trong nước sẽ không cạnh tranh nổi với các mặt hàng thép nhập khẩu từ Nga. Do đó, chúng ta phải có công đoạn, lộ trình đối với những mặt hàng sản xuất trong nước. Lý do vì sao?

Hiện nay các loại như phôi thép, thép tấm cán nguội, lá cán nguội, ống thép, các loại tôn mạ, tôn mạ phủ màu được các DN thép Việt Nam sản xuất sản xuất trong nước. Đưa ngay về thuế 0% nhiều DN thép có nguy cơ dừng sx và phá sản vì ko cạnh tranh nổi. Bởi vậy Hiệp hội đã có ý kiến là vì thế.


Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam

So sánh nền sản xuất thép của 2 nước, đơn cử là Nga. Đây là nước có ngành sản xuất thép lớn thứ 5 thế giới với sản lượng 63 - 64triệu tấn/năm và xuất khẩu khoảng 23 triệu tấn hàng năm. Nga là nước có nền sản xuất với quy mô lớn với 70% sản xuất theo công nghệ lò cao, sản xuất từ quặng và đặc biệt có lợi thế về quặng tại chỗ, khí thiên nhiên dồi dào. Trong khi đó ở Việt Nam, thép xây dựng năng lực sản xuất chỉ từ 10triệu tấn/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được 5-6 triệu tấn hàng năm do cung cầu mất cân đối.

Nếu như Nga có lợi thế canh tranh là công nghệ hiện đại, sản xuất 70% từ công nghệ lớn, liên hợp lò cao, theo chu trình dài thì Việt Nam sản xuất theo chu trình ngắn thép được sản xuất từ lò điện bằng phế liệu, nền công nghệ thép chỉ phát triển 10 năm trở lại đây nay. So với thế giới Việt Nam đứng ở vị trí 26, tại Đông Nam Á, năng lực sản xuất cũng nhất nhì tùy từng loại, tiêu thụ xếp thứ 3.

Những yếu tố trên đã cho thấy khả năng cạnh tranh thép của Việt Nam rất là khó thực hiện ngay điều này. Cho nên VSA đã đề xuất bảo vệ có chọn lọc 25/167 mặt hàng trong nước sản xuất được cần có lộ trình từ 5-10 năm.

Cụ thể kiến nghị về lộ trình đó như thế nào, thưa ông?

Vừa qua, với một vài lần tham vấn của VSA thì bản thân Bộ Công Thương (BCT) cũng đã tham khảo, tiếp thu ý kiến và trong công văn trả lời mới đây BCT đang xem khả năng đàm phán cho một số mặt hàng sản xuất trong nước. Dù BCT khẳng định không ảnh hưởng đến ngành thép nhưng phải hiểu là không ảnh hưởng đến ngành thép ngay nếu như BCT đàm phán lộ trình bảo vệ có thời hạn thắng lợi. Nghĩa là trong các mặt hàng đã sản xuất được thì phải có sự bảo hộ trong lộ trình 5- 10 năm. Và trong 10 năm đó các DN Việt Nam phải có các biện pháp, phương án của mình để cạnh tranh. Nếu không ngành thép phải chấp nhận “cuộc chơi” này.

Đối với các mặt hàng trong nước không sản xuất được thì có thể áp thuế 0% như thép hợp kim, thép tấm, thép cán nóng… Sản phẩm thép của bất cứ nước nào vào Việt Nam thì đều phải cạnh tranh nhau. Vì đó không phải là mặt hàng VSA kiến nghị. Mặt hàng sản xuất trong nước thì mới cần thiết phải có ngay lộ trình để bảo vệ. Hiện VSA cũng cử các chuyên viên đang tham vấn với các Bộ, cơ quan. Nếu đạt được thỏa thuận đó thì VSA sẽ ko có kiến nghị về chuyện ngành thép phá sản ngay. Toàn bộ câu chuyện dẫn dắt là vậy.

Tất nhiên trong cuộc chơi này, đi vào hội nhập thì phải chấp nhận thuế sẽ dần dần giảm xuống. Điều quan trọng là chúng ta cần có lộ trình, hàng rào bảo vệ như thế nào cho hợp lý mà thôi.

Khi vào thị trường tự do thì Việt Nam “hi sinh” thị trường mặt hàng này thì các nước đối tác cũng “hi sinh” mặt hàng khác, ví dụ Việt Nam đang phải tìm cách tiếp cận vào Nga cho thị trường nông sản. Ngành thép là ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam, sức cạnh tranh chưa lớn thì cần thiết phải bảo vệ có lộ trình.

Vậy tiến trình cho việc hội nhập đó trong vòng 5 năm tới sẽ như thế nào?

Trong giai đoạn 2015-2020, phần lớn các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã tham gia (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc - Niu Dilân) đối với ngành hàng sắt thép sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu… Do vậy, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan giai đoạn tới dự kiến sẽ có tác động đến ngành thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu…

Bây giờ Việt Nam cũng đã dần dần tham gia WTO - một sân chơi lớn, bắt đầu hội nhập sâu vào thị trường EU. Các hiệp định thương mại sẽ bắt đầu lộ trình từ 2018. Kể từ 2012 thuế đã giảm sâu nhưng chúng ta phải chấp nhận “cuộc chơi” này.

Tuy nhiên VSA không phải là cơ quan nhà nước để chỉ đạo định hướng cho các ngành nhưng với tính chất của hiệp hội VSA cần cung cấp đầy đủ thông tin, xây dựng định hướng, chiến lược để thực hiện tốt những quy hoạch của nhà nước, cụ thể là của BCT đối với ngành thép.

Nhằm phát triển ngành thép, VSA khuyến cáo các DN thực hiện các quy hoạch, trọng đó quan trọng nhất là nhận rõ được sự mất cân đối của thị trường, từ đó hạn chế không đầu tư vào các sản phẩm thép trong nước đang dư thừa. Điều cần làm là thực hiện tốt bài toán về sản lượng và chất lượng, đi sâu vào chất lượng chứ không phải nâng cao công suất toàn ngành đồi với thép xây dựng.

Hiện nay thép cán đang dư thừa, công suất sản xuất 10 triệu tấn/năm, bây giờ chỉ thiêu thụ 5-6 triệu tấn/năm; tương tự thép ống, tôn mạ, cán nguội chỉ tiêu thụ đc 50- 60% khả năng sản xuất.

Vì các điểm bất lợi trên VSA đã định hướng không tăng năng lực mà phải làm sao tăng hiện đại hóa công nghệ, nâng cao và cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành. Mặt khác cũng khuyến cáo các DN dần dần loại bỏ công nghệ quy mô nhỏ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn, ô nhiễm và ảnh hưởng môi trường.

Trong quy hoạch của Chính phủ đã định rõ quy mô công nghệ nào, đến đâu thì không được đầu tư mới. Cụ thể công nghệ lò cao ở vùng biển thì phải từ 700 khối, nội địa từ 500 khối, lò thép hồ quang đầu tư từ 70 tấn, thép cán quy mô 500 nghìn tấn trở lên. Chính việc đầu tư công nghệ hiện đại và quy mô lớn thì mới tăng sức cạnh tranh. Với tất cả định hứớng như vậy VSA khuyến cáo các DN phải theo sát lộ trình WTO thì mới hành động. Đến thời điểm đó không kiến nghị được thì phải chấp nhận thực tế cuộc chơi.

Ra hội nhập sâu thì ngành thép phải chấp nhận thuế bằng 0%, nhưng thực hiện thuế thấp như vậy thì phải có quy định về hàng rào kỹ thuật bảo vệ các nhà sản xuất trong nước đồng thời tạo điều kiện cho họ. Theo kinh nghiệm các nước phát triển, người ta rất tự do trong thương mại nhưng không phải dễ gì vào được đất nước họ. Bởi lẽ họ có hàng rào kỹ thuật phòng vệ rất chặt chẽ.

Gần đây thép Việt Nam đã bị kiện bán phá giá đối với một số mặt hàng thép xuất đi Úc, Mỹ, Canada, Indonesia, Hàn Quốc và ngược lại Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

“Cuộc chơi” này phải thực hiện nghiêm túc thôi vì đã đến lúc Việt Nam phải áp dụng đúng luật pháp quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh, đồng thới cũng phải am hiểu luật pháp đó để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Tham gia hội nhập sâu phải biết rõ năng lực và thực chất của ngành mình thì sẽ chủ động được trước mọi “sân chơi” .

VSA cũng thực hiện nhiều hội thảo, tham gia vào các quy hoạch của BCT, tham gia vào các cơ chế chính sách đối với ngành thép, các vụ giải quyết tranh tụng thương mại trong và ngoài nước… Những hoạt động đó biểu hiện tinh thần chuẩn bị cho của ngành thép trong nước khi bước vào hội nhập sâu vào sân chơi này.

BCT cho rằng, về mặt địa lý, Nga là đất nước rộng lớn và những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung nước Nga, cách Viễn Đông xa hơn khoảng cách từ Viễn Đông đến Việt Nam. Như vậy, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy này, qua Viễn Đông và về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, là những sản phẩm ngành thép lo ngại cạnh tranh. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Về quãng đường vận chuyển thép từ vùng Viễn Đông tới Việt Nam, giá thành không cao là mấy so với từ Trung Quốc. Chúng ta phải biết rằng Nga có nguồn tài nguyên tại chỗ, trong khi đó Việt Nam phải nhập, quặng sắt sản xuất chỉ khoảng 10-12%, 80% thép bằng lò điện, chúng ta nhập thép vụn (phế liệu) từ Nhật, Nga, Mỹ, Hàn Quốc. Nếu nói sản phẩm thép của Nga phải vận chuyển từ xa thì Việt Nam cũng phải nhập phế liệu từ xa. Từng có thời điểm thuế còn thấp, thép nhập từ Nga rẻ đến mức người ta nhập thép tấm về, cắt đi cán thành thép xây dựng.

Cho nên việc cảnh giác là ko thừa. Việc vận chuyển xa đó ko phải là ko có lý nhưng cũng ko đơn giản như đánh giá vậy mà còn nhiều yếu tố khác.

Vậy các nhà sản xuất đã chuẩn bị thị trường nào cho cuộc chơi này và các nhà nhập khẩu phản ứng ra sao, thưa ông?

Ngành xây dựng bị ảnh hưởng đã kéo theo ngành thép bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian qua. Thị trường thép xuất khẩu thì khó khăn hơn xi măng. Thị trường thép truyền thống mạnh các DN của chúng ta không có. Thép xây dựng xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Miến Điện thì cũng chỉ vài trăm nghìn tấn/năm.Thép ống xuất khẩu sang Úc, Mỹ, châu Âu nhưng số lượng cũng chỉ tương tự. Sản phẩm xuất nhiều chủ yếu là tôn mạ, tôn phủ màu của Tập đoàn Hoa Sen sang thị trường Úc, Thái Lan, Indonesia tổng 3triệu tấn/năm so với sản lượng tiêu thụ của cả nước là11triệu tấn/năm.

Vừa qua có một số nước kiện Việt Nam trong việc bán phá giá một số mặt hàng thép thì VSA cũng tham gia và xem xét vì việc chống bán phá giá của nước ngoài đối với Việt Nam. Cũng giống như mình thôi, thực ra cũng có lý của họ vì tự nhiên thấy có lượng thép xuất hiện nhiều vào nội địa thì họ phải có động thái.

Việc áp dụng chống bán phá giá với 4 nước Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia vào lãnh thổ Việt Nam là thép không gỉ. Nhưng các nước này phải chấp nhận vì đó là điều chính đáng.

Tuy nhiên, đối với các nhà nhập khẩu thép trong nước cũng có ý kiến. Các DN sản xuất thì hài lòng nhưng nhà nhập khẩu lên tiếng vì họ nhập khẩu thẳng các chủng loại cùng với các nhà sản xuất trong nước giờ không được giá rẻ như trước nên họ kêu bị thiệt thòi và người tiêu dùng cũng thiệt thòi theo.

Ai cũng có lý, nhưng cơ bản là phải theo luật. Các nước họ họ bán phá giá thực sự thì phải bảo vệ các sản phẩm của mình, bảo vệ DN trong nước mới là lâu dài. Không thể nào có lý khi chúng ta tiêu dùng với giá rẻ nhưng lại vi phạm luật chung đã quy định.

Hồng Anh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.