Năm 2013, tăng trưởng trong khó khăn
Ông Nguyễn Tiến Nghi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho biết: Kết thúc năm 2013, tổng công suất lắp đặt của ngành thép lên tới khoảng 11.380 ngàn tấn, trong đó khoảng 2 triệu tấn công suất đang được lắp đặt, khoảng 2 triệu tấn đang rất khó khăn, thậm chí còn “chết lâm sàng”, vậy chỉ còn khoảng 7,5 triệu tấn đang hoạt động tích cực. 7,5 triệu tấn đó chia đều trung bình mỗi DN chỉ chạy khoảng trên 50% công suất lắp đặt, bởi phụ thuộc vào đầu ra, vì tổng tiêu thụ thép xây dựng cả năm 2013 của các DN đạt khoảng gần 4 triệu tấn, nên DN chỉ chạy đủ theo dự báo tiêu thụ từng tháng.
Theo ông Nghi, khó khăn của ngành thép nguyên nhân chính là do đầu ra, bởi hiện tượng “đất chặt, người đông” và sự cạnh tranh giữa hàng Trung Quốc bán với giá rẻ… Trong năm 2013 đã có thêm 5 nhà máy đi vào sản xuất, như: Tập đoàn Hòa Phát có công suất lắp đặt 450.000 tấn/năm, Công ty CP cán thép Thái Trung 500.000 tấn/năm,
Công ty CP sản xuất thép Việt - Mỹ, Công ty CP thép Thái Bình Dương, Công ty CP thép DANNA - Ý và Công ty TNHH thép An Hưng Tường, mỗi công ty đều có công suất lắp đặt 250.000 tấn/năm, khiến nhiều DN càng lâm vào tình trạng “bí” đầu ra. Các DN đã tìm mọi cách đối đầu bằng biện pháp bán dưới giá thành sản phẩm để cạnh tranh, dẫn tới thua lỗ. Từ thực tế đó, VSA đã thống nhất với các DN, cần giữ vững thị phần của mình đã được hình thành để cùng chia sẻ trong lúc khó khăn.
Do khó khăn nên trong năm 2013, với hơn 100 DN ngành thép đã có 4 DN thép (Tổng công ty Thép Việt Nam, thép Việt, Vina Kyoei, thép Tây Đô) và 5 DN tôn (Tập đoàn Hoa Sen, tôn Nam Kim, tôn Đông Á, tôn Tân Phước Khanh, tôn Đại Thiên Lộc)… là những DN điển hình đã tự cứu mình bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu (XK). Nhờ đó, năm 2013, XK tăng khoảng 25 - 30% so với năm 2012, giúp ngành thép tăng trưởng 3% theo đúng dự kiến đầu năm.
Một số chuyên gia ngành thép đưa ra ý kiến, để khắc phục tồn tại khó khăn của ngành thép cần tái cấu trúc DN. Theo đó, các DN quản trị kém, máy móc cũ khiến chi phí tiêu hao năng lượng cao, nguồn nhân lực yếu kém cần tái cấu trúc lại, từ đó phân bổ nguồn lực cho những công ty có công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít năng lượng, quản trị tốt, có chất lượng sản phẩm và thương hiệu tốt điều hành, nhằm đem lại hiệu quả cao.
Tín hiệu khả quan
Bước sang năm 2014, khi Việt Nam ký xong Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) - là thuận lợi cho ngành thép, vì nó sẽ tác động gián tiếp đến ngành nông nghiệp, thủy sản...
Bên cạnh đó là sự phục hồi nền kinh tế Mỹ - nền kinh tế đầu tàu của thế giới (tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện chỉ còn 7%, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), cùng xu hướng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tăng, nợ xấu ngân hàng đang được giải quyết quyết liệt nên có xu hướng giảm dần, cùng với gói kích cầu bất động sản đang từng bước được tháo gỡ… là những tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam bước sang năm 2014, trong đó có ngành thép xây dựng. Trên thực tế, tính đến cuối năm 2013, hầu hết các nhà máy thép đều đã có lãi. Từ những tác động này, dự báo năm 2014, ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2013.