19/04/2013 9:15 AM
Với những tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản nhờ chính sách kích cầu, gần đây ngành thép cũng bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc, dẫu sức mua và mức tăng trưởng còn thấp.

Sức mua tăng

Từ đầu năm đến nay, giá thép trên thị trường đã tăng bình quân 100.000 đồng/tấn, đưa giá thép lên mức 16 - 17 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại, thương hiệu. Theo lý giải của các doanh nghiệp (DN) thép, việc tăng nhẹ giá là để bù lỗ, do trước đó đã giảm mạnh để kích cầu. Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng thép của toàn ngành trong tháng 3-2013 đạt khoảng 270.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với tháng trước. Ước tính tổng lượng thép sản xuất trong cả quý 1-2013 giảm 5% (30.000 tấn) so với cùng kỳ do sức mua còn yếu.

Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thép nhập khẩu trong 3 tháng đầu tiên của năm 2013 đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 800.000 tấn, nhưng vẫn khá cao so với lượng tiêu thụ trong nước.

Lượng thép tồn kho hiện nay đã giảm nhiều. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường cho biết, ước tính tổng lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 đạt 400.000 tấn, tính chung cả quý 1-2013, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1 triệu tấn, tăng trưởng so với những tháng trước đó, nhưng vẫn giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2012.

Còn về lượng thép tồn kho, được các nhà máy điều chỉnh nên hiện cũng không đáng ngại, khoảng 300.000 tấn (mức cao nhất trong năm 2012 lên trên 450.000 tấn). Đối với phôi thép để chuẩn bị cho sản xuất vẫn duy trì ở mức 450.000 tấn và đủ để cung cấp cho thị trường trong quý 2.

“Gần đây, nhiều thông tin nói tồn kho của ngành thép nhiều và đáng lo ngại, nhưng với mức 280.000 tấn như hiện nay là bình thường, ít hơn nhiều so với các tháng trước. Việc tiêu thụ đang tốt nên đã giúp sản xuất trở lại bình thường, công nhân đã quay lại làm việc, những nhà máy trước đây sản xuất sụt giảm nay cũng quay trở lại hoạt động bình thường”, ông Cường giải thích.

Theo VSA, việc dư thừa phôi thép là do tiêu thụ những tháng trước đây chậm, nhưng với nhiều giải pháp, đặc biệt là khơi thông thị trường, mở rộng xuất khẩu thì đến thời điểm này lượng tồn kho đã giảm mạnh; các DN xuất khẩu phôi thép hiện khá thuận lợi.

Siết nhập khẩu

Theo ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức, với việc tăng trưởng thị trường bất động sản còn chậm nên ngành thép sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo doanh số cũng như lợi nhuận, Thép Việt Đức vẫn kỳ vọng đơn vị sẽ đạt mức tăng trưởng 15% - 20% so với 2012. Giải pháp để tồn tại và thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả mà Thép Việt Đức đưa ra lúc này là phải tính toán kỹ các công đoạn trong quá trình sản xuất kinh doanh để đảm bảo cân bằng giữa chất lượng sản phẩm và giá cả.

“Quan điểm của chúng tôi là phải giảm tất cả chi phí, đưa giá thành về mức hợp lý nhất, phù hợp với xu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế”, ông Hải cho biết.

Hầu hết DN thép khu vực phía Nam đều nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ còn khó khăn đối với các DN kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, với những định hướng cũng như chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ, ngành, thông qua các chính sách về tín dụng, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ được cải thiện. Từ đó, giúp thị trường vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi, gia tăng sản lượng.

Theo VSA, trong năm 2013, toàn ngành thép đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2% đến 3%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng đầu tư công của Chính phủ trong năm 2013 và diễn biến của thị trường bất động sản... Ngoài ra, vấn đề đặc biệt quan trọng là việc cạnh tranh với thép Trung Quốc.

Chính vì vậy, VSA đã có đề nghị cơ quan quản lý cần phải đặt ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc; cụ thể là các hàng rào kỹ thuật, hỗ trợ và giảm bớt khó khăn cho các DN sản xuất thép trong nước. Riêng cuối năm ngoái, ngành thép cũng đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và hiện còn lo ngại sẽ có những vụ kiện ở các nước Đông Nam Á về xuất khẩu tôn, ống thép của Việt Nam do sản lượng tiêu thụ tốt.

Do vậy trong thời gian qua, hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên đã chuẩn bị nhiều thông tin để tiếp cận và giải thích cho các đối tác. Đặc biệt phía Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thông qua đại diện thương mại ở các nước cũng vào cuộc rất tích cực, tiếp cận những công ty nhập khẩu ở các nước trên để gây áp lực lại các đơn vị sản xuất mà họ khởi kiện Việt Nam. VSA cũng chủ động mời các đối tác sang để giải trình và gửi thư phản hồi các thông tin cần thiết nhằm giảm thiểu những yếu tố có thể gây bất lợi cho việc xuất khẩu tôn và ống thép của Việt Nam.

Trước tình trạng này, Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ vừa hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch về hướng dẫn quản lý chất lượng thép. Theo đó, sắp tới nhiều loại thép nhập khẩu sẽ được lấy mẫu để kiểm tra xem có đạt chất lượng mới cho phép nhập khẩu. Với nhà sản xuất thép trong nước, dự thảo quy định sẽ phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Với việc siết thép nhập khẩu cộng với việc ngân hàng vừa điều chỉnh giảm lãi suất sẽ tạo thuận lợi dần khởi sắc cho doanh nghiệp thép trong thời gian tới.

Lạc Phong (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.