23/03/2016 9:10 AM
Để cứu ngành thép nội địa khỏi “chết”, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng phòng vệ không phải “chiếc đũa thần”, muốn ngành thép “khoẻ mạnh”, đủ sức nhập cuộc trước hội nhập thì còn rất nhiều việc phải làm.
Trong thông cáo báo chí phát ra mới đây về vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với thuế tự vệ tạm thời là 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho sản phẩm thép dài, Bộ Công Thương cho biết sẽ giúp bảo vệ tạm thời các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các doanh nghiệp sản xuất thép dài trong nước.
Phòng vệ không phải “đũa thần”
Về phía Bộ Tài chính cũng có chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành.
Cụ thể là kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối với hàng có xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế 100% và lấy mẫu phân tích theo quy định với thép Trung Quốc (những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được) để xác định chính xác mã số, mặt hàng thuộc diện chống bán phá giá và mặt hàng thép chứa hợp kim bo có nguy cơ gian lận cao…
Sau động thái của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan lưu ý có khả năng thép nhập khẩu sẽ sử dụng “chiêu” gian lận thương mại để vào Việt Nam. Trong trường hợp nghi vấn gian lận về xuất xứ, Tổng cục Hải quan cảnh báo các đơn vị cần chủ động xác minh hoặc chuyển nhanh thông tin, hồ sơ về Cục Điều tra chống buôn lậu để cùng phối hợp. Nếu phát hiện sai phạm, cần tiến hành rà soát, kiểm tra sau thông quan đối với lô hàng tương tự để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh.
Rõ ràng đây là những động thái quyết liệt của các cơ quan quản lý để cứu ngành thép nội địa khỏi nguy cơ “chết yểu” trước áp lực chi phối của thép ngoại như hiện nay.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhận định tự vệ là biện pháp hữu hiệu, đúng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép vào Việt Nam.
Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Riêng nhập khẩu phôi thép tháng 1/2016 là 339,768 tấn (tăng 231,83% so với tháng 1/2015). Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 là 269 USD/tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ 2015.
Bộ Công Thương lý giải, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4-5 triệu tấn trong năm 2016, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015.Theo giới chuyên gia, dưới tác động của lượng nhập khẩu quá lớn đó, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như trong năm 2015 mà có thể sẽ phải đóng cửa ngay lập tức.
Hầu hết các DN sản xuất phôi thép trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng từ việc giá bán phôi thép Trung Quốc sụt giảm
Hy vọng gì?
Trên thực tế, hầu hết các DN sản xuất phôi thép trong nước đều chịu thiệt hại nghiêm trọng từ việc giá bán phôi thép Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2015 (giảm 27%).
Các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận và công suất sử dụng của ngành thép sản xuất phôi thép trong nước đều sụt giảm mạnh, tồn kho gia tăng trong năm 2015. Những DN chỉ sản xuất phôi hầu như đã phải dừng lò hoặc hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động trong ngành.
Bộ Công Thương cho biết, trường hợp cụ thể như công ty thép Việt Trung (công suất 500.000 tấn/năm) đã phải dừng sản xuất, có nguy cơ phải đóng cửa mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2014.
Giới chuyên gia lưy ý, việc phòng vệ tạm thời chỉ giúp DN ngành thép nội “thoát chết” khoảng thời gian ngắn, còn về lâu dài, yêu cầu trước tiên là bản thân các DN thép nội phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh thay vì trông chờ cơ quan quản lý can thiệp, áp thuế.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, đây là cơ hội để từng bước đầu tư, xây dựng và phát triển ngành thép đồng bộ và khép kín, một ngành thép vững mạnh thực thụ chứ không phải ngành thép đi gia công.Về phía DN thép nội địa, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Group, chia sẻ thách thức lớn với DN của ông là không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm nội địa mà còn phải đương đầu với sản phẩm thép giá rẻ, kém chất lượng ồ ạt nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Vũ, việc xuất khẩu các sản phẩm thép trong nước ra thị trường nước ngoài liên tục gặp trở lực từ các rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu chính nhằm bảo hộ cho nền sản xuất trong nước. Nếu không đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề liên quan thì sẽ khó đứng vững.
Chính vì vậy, ông Lê Phước Vũ cho rằng bên cạnh nền tảng là các lợi thế cạnh tranh cốt lõi, sở dĩ DN của ông có thể vượt qua thách thức của thị trường cạnh tranh là nhờ chiến lược phát triển thị trường nội địa.
Chiến lược phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trên thị trường trong nước và thế giới vẫn là yếu tố then chốt trong giai đoạn hội nhập.
Thế Vinh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.