13/02/2025 8:34 PM
Tổng thống Donald Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Liệu thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Sắc lệnh áp thuế 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump với mặt hàng nhôm, thép dự kiến có hiệu lực từ 4/3. Cùng với Việt Nam, các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng phải chịu mức thuế cao bởi tuyên bố "không ngoại lệ" của ông Trump.

Sau quyết định mới của ông Trump, mức thuế doanh nghiệp thép của Việt Nam phải chịu giữ nguyên trong khi thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%.

Ảnh hưởng đến ngành nhôm Việt Nam

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ, tăng 9,5% so với năm 2023.

Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 25% khiến các doanh nghiệp ngành nhôm lo lắng về năng lực xuất khẩu trong tương lai vì Mỹ đang chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhôm Việt Nam.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 479 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang Mỹ

Hội nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho rằng nhóm doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ chính sách này là các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đây cũng là nhóm xuất khẩu chính. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ chịu tác động ít hơn.

Tuy nhiên, hệ lụy sau đó là công suất dư thừa ở các nhà máy này sẽ gây áp lực trở lại thị trường trong nước vốn đang thừa sau một thời gian dài suy thoái, gây ảnh hưởng gián tiếp lên toàn bộ các nhà sản xuất nhôm Việt Nam.

VAA nhận định, tác động của chính sách này lên các thị trường xuất khẩu là tương tự nhau, ngoại trừ hàng hoá của Trung Quốc đang bị bổ sung mức thuế 10% thì sức cạnh tranh của hàng hoá xuất xứ từ Trung Quốc sẽ bị giảm so với các thị trường khác.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh như cũ so với các thị trường quốc tế, và có lợi thế cạnh tranh tốt hơn hàng hoá của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nguy cơ hàng hóa từ Trung Quốc rửa nguồn lấy xuất xứ Việt Nam hoặc các nước ASEAN để lẩn tránh thuế là không tránh khỏi. Các doanh nghiệp cần thận trọng và nghiên cứu kỹ hơn các giải pháp do cơ quan chức năng khuyến cáo.

Ảnh hưởng đến doanh nghiệp thép “không đáng kể”

Với ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp thép "sẽ không đáng kể" bởi cú sốc về thuế đã xảy ra từ năm 2018.

Khó khăn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các thị trường khác

Ảnh hưởng gián tiếp từ việc này có thể tác động tới ngành nhôm thép của các nước từng không phải chịu thuế cao. Họ sẽ mở rộng, cạnh tranh sang các thị trường khác của Việt Nam khi không còn được ưu đãi.

“Không bán được ở Mỹ, họ có thể chuyển sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc có thể cả Việt Nam. Việc này làm tăng thêm áp lực cạnh tranh tại các thị trường lớn của doanh nghiệp trong nước”, VSA nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ nhận định, việc Mỹ áp dụng thuế với toàn bộ hàng hóa nhôm, thép, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội do năng lực sản xuất doanh nghiệp Mỹ chưa đáp ứng ngay nhu cầu.

Thống kê hải quan Mỹ cho biết, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023; trong khi với mặt hàng nhôm có kim ngạch là 479 triệu USD, tăng 9,5%.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp sản xuất thép quy mô lớn của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát hiện đã không còn xuất khẩu thép vào Mỹ và mở rộng xuất khẩu ra hơn 10 thị trường khác, kể từ khi nước này áp dụng các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại.

Ông Hưng cho rằng, việc Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.

Cùng với đó, khó khăn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam.

Để tránh rủi ro và tận dụng cơ hội vào thị trường Mỹ, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một đối tác.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thép cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp cần phối hợp chặt với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.