Hiện trên thị trường vẫn còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
“Ông lớn, ông bé” nhà băng nhập cuộc
Báo cáo về triển vọng khu vực ngân hàng Việt Nam năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đánh giá, các ngân hàng Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức về chất lượng tài sản, lợi nhuận thấp và năng lực về vốn còn yếu, nếu không cải thiện được những vấn đề này, mức tín nhiệm đối với các ngân hàng có thể giảm xuống.
Như vậy, trong thời gian tới, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nâng quy định về vốn điều lệ. Trước đây, NHNN cũng đã từng xây dựng dự thảo Nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng. Theo đó, năm 2015, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ nâng lên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế diễn ra, dự định này đã bị dừng lại nhưng chắc chắn, thời gian tới, NHNN sẽ phải nâng quy định về vốn điều lệ. Khi đó, ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nếu không sáp nhập, sẽ phải đóng cửa!
Trước sức ép đó, các nhà băng như “ngồi trên đống lửa”, đến nay không chỉ các ngân hàng nhỏ và ngay cả các “ông lớn” cũng đã phải rốt ráo, lên kế hoạch xây dựng phương án tăng vốn điều lệ năm sau cao hơn năm trước. Điển hình như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng với tỷ lệ 15%, theo đó, dự kiến sau khi tăng, mức vốn điều lệ của Vietcombank sẽ là gần 26.650 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng sẽ nâng vốn điều lệ từ 28.112 tỷ đồng hiện nay lên 33.570 tỷ đồng. Để thực hiện được kế hoạch tăng vốn này, ngoài chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, BIDV sẽ bán 10,5% vốn cho các nhà đầu tư tài chính, tương đương 318,9 triệu cổ phần…
Hiện trên thị trường vẫn còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trước sức ép sáp nhập, hợp nhất để tồn tại thì Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)… cũng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng trong kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua. Sacombank trước khi sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank) cũng đã trình cổ đông phương án tăng thêm vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng từ nguồn chia cổ phiếu quỹ và cổ phiếu thưởng từ quỹ thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu và từ nguồn cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8% cho cổ đông hiện hữu. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng đưa ra kế hoạch dự kiến tăng thêm vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trong quý III/2014.
Được biết, trước đó, tại đại hội cổ đông năm 2013, rất nhiều ngân hàng thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) hoặc như OCB với kế hoạch tăng thêm 766 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2013… nhưng đến nay vẫn trễ hẹn và chưa hoàn thành được lộ trình tăng vốn điều lệ theo đúng thời hạn đặt ra.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” nào cũng phải đến hồi kết! Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã thẳng thắn, trong 3 năm tới, số lượng ngân hàng sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa, từ 35 ngân hàng xuống còn 14-17 ngân hàng. Như vậy, dù có muốn hay không thì các nhà băng đều phải tự thân vận động, trước mắt là phải tự đảm bảo điều kiện về sức khỏe cho mình trong cuộc chiến “sinh tồn” khốc liệt này!
“Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là thước đo độ an toàn vốn của ngân hàng”, nhấn mạnh điều này, giới chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng: Khi ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ này, nghĩa là đã tạo được cho mình một tấm lá chắn vững chắc chống lại những cú sốc về tài chính, vừa tự bảo vệ mình, vừa bảo vệ người gửi tiền. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hiện trên thế giới phổ biến ở mức 12% theo tiêu chuẩn của Basel II do Ủy ban giám sát các ngân hàng Basel ban hành.
Đừng quên quản trị rủi ro!
Cảnh báo điều này, giới chuyên gia cho rằng, điều đáng lo lắng nhất hiện nay của hệ thống các ngân hàng chính là vấn đề chủ sở hữu và quản trị rủi ro. Tham gia “cuộc đua” tăng vốn điều lệ lần này, các ngân hàng cần rút kinh nghiệm để không “dẫm lên vết xe đổ” của những “cuộc đua” tăng vốn điều lệ trước đây. Đó là, tạo ra tình trạng sở hữu chéo và trình độ quản trị ngân hàng yếu kém. “Nếu chỉ tăng vốn điều lệ để đối phó với các quy định mà bỏ quên việc cải thiện năng lực quản trị và trình độ nguồn nhân lực thì cho dù ngân hàng có dồi dào về nguồn vốn cũng chưa chắc đã vững mạnh về tài chính”, một chuyên gia tài chính – ngân hàng nêu quan điểm.
Khảo sát thực tế cho thấy, thời gian qua các ngân hàng TMCP mặc dù đã áp dụng nhiều chương trình quản trị, chính sách tín dụng tiên tiến; Tiến hành thực hiện chương trình xếp hạng tín dụng nội bộ; Quy trình thẩm định, phê duyệt và phân cấp phê duyệt đã khá chặt chẽ… tuy nhiên, làm thế nào để triển khai tốt những nguyên tắc đó và tạo được một cách nhìn chung giữa các ngân hàng và các bộ phận về rủi ro tín dụng đang là vấn đề đặt ra cho hệ thống. Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Standard Chartered cũng cho thấy, 51-53% rủi ro tín dụng là do chủ quan của những cán bộ trong hệ thống. “Trong các ngân hàng Việt Nam, khẩu vị rủi ro giữa bộ phận bán hàng, thẩm định rủi ro, phê duyệt luôn luôn không nhất quán”, bà Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Ngân hàng Tài chính (BTCI) nhận xét.
“Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng, cần có một mặt bằng chung chuẩn hoá những quy định, rủi ro về tín dụng. Nhất là phải tạo ra trong xã hội một cách nhìn nhận chung về rủi ro tín dụng để cán bộ ngân hàng hiểu, chấp nhận rủi ro và có phương án dự phòng rủi ro. Theo đó, cần phải quy chuẩn lại khẩu vị rủi ro cho các cán bộ ngân hàng từ người bán hàng, thẩm định, quản lý rủi ro, cho đến người làm chính sách trong toàn hệ thống bằng một chuẩn đào tạo thống nhất”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Văn phòng Eximbank khu vực miền Bắc chia sẻ.
“Quan trọng hơn là cần tạo lập một ngôn ngữ chung cho cả hệ thống. Nó sẽ là cơ sở để các ngân hàng soi vào thực tế và tránh rủi ro pháp lý”, nhấn mạnh điều này, bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Khối tín dụng của VPBank cho rằng, khi có cùng một ngôn ngữ thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quy trình cấp tín dụng, cũng như giảm thiểu rủi ro không chỉ cho ngân hàng mà còn cho cả khách hàng.