10/11/2013 4:24 PM
Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ và Chỉ thị 01/2013/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ảnh: ST
Tính từ đầu năm đến ngày 10-10, dư nợ cho vay theo 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt trên 124.000 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cuối năm 2012. Trong đó, cho vay đối với DN nhỏ và vừa có mức tăng cao nhất với 63,7%, đạt trên 78.000 tỷ đồng. Song song với việc hỗ trợ vốn cho các DN trong lĩnh vực ưu tiên, việc cơ cấu lại nợ và điều chỉnh giảm lãi suất cũng được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai. Tính đến ngày 10-10, đã có 56.317 khách hàng được giảm lãi vốn vay về mức dưới 13%/năm, tổng dư nợ được giảm lãi đạt 161.834 tỷ đồng. Cùng với đó còn có trên 6.200 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đạt 106.027 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2012, con số này đã tăng 21,7%. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hiện 70% tổng dư nợ trên địa bàn có lãi suất dưới 13%/năm.

Trong thời gian qua, việc tiếp cận vốn của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ gặp phải không ít rào cản. Để có thể nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho DN, từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã thực hiện nắm bắt thông tin và tháo gỡ khó khăn cho DN qua các kênh như: đối thoại DN - chính quyền thành phố, đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, phối hợp cùng các sở, ngành, hiệp hội, UBND quận huyện… thực hiện đối thoại, trả lời vướng mắc trực tiếp cho DN. Tại đây, ngân hàng và DN có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để cùng giải quyết những vướng mắc mà trước đó là rào cản giữa ngân hàng và DN. Thông qua các chương trình này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã tiếp nhận danh sách 203 DN có nhu cầu vốn với số tiền 3.456 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đã có 149 DN được hỗ trợ giải quyết vay số vốn 3.073 tỷ đồng. Trong số các DN còn lại, có 30 DN đang trong quá trình thẩm định và 24 DN không đáp ứng đủ điều kiện cho vay do nhiều nguyên nhân như phương án kinh doanh không khả thi, tài chính không minh bạch, nợ dưới chuẩn…

Đặc biệt, trong các chương trình hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN được hệ thống ngân hàng tại TP.HCM thực hiện trong thời gian qua, chương trình kết nối Ngân hàng - DN, được thực hiện từ năm 2012, đạt được hiệu quả cao và có hiệu ứng lan tỏa hơn cả. Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ cho vay thông qua chương trình kết nối DN tại TP.HCM hiện là 13.151 tỷ đồng. Chương trình đã được triển khai tại 24/24 quận, huyện và đã có 533 DN vừa và nhỏ, 68 hộ sản xuất kinh doanh và 2 hợp tác xã nhận được vốn hỗ trợ với lãi suất chỉ 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và từ 9% - 12%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh, hoạt động kết nối ngân hàng và DN đã góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho DN. Sức lan tỏa và hiệu ứng tác động của chương trình đã và đang thể hiện rõ nét bằng kết quả chuyển biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nên kinh tế 9 tháng đầu năm 2013.

Theo ông Minh, để đạt được những kết quả như trên, chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều ngân hàng, từ ngân hàng có quy mô nhỏ đến ngân hàng có quy mô lớn, càng về sau hạn mức càng cao, số lượng DN, hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ vay vốn càng nhiều. Trong đó, nhiều ngân hàng có tổng hạn mức ký kết cao như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hơn 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam 2.146 tỷ đồng, các Ngân hàng Phát triển TP.HCM, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đều tham gia với hạn mức trên 1.000 tỷ đồng…

Cùng với chương trình chung như trên, bản thân các ngân hàng cũng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ DN. Cụ thể, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín triển khai gói 2.000 tỷ đồng với lãi suất tối thiếu 9%/năm, áp dụng cho các khách hàng DN, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương kinh doanh hàng Tết Giáp Ngọ 2014 trên toàn quốc. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, Sài Gòn Thương Tín đã triển khai 25 gói tín dụng ưu đãi trị giá hơn 28.000 tỷ đồng và 105 triệu USD. Tương tự, Ngân hàng Đại chúng cũng dành 1.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 6%/năm (tín dụng bằng VND) và 2,5% - 3,5% (tín dụng bằng USD); Ngân hàng Phát triển TP.HCM dành 30 triệu USD với lãi suất từ 3%/năm cho các DN xuất nhập khẩu vay; Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam cho vay đối với các khách hành DN xuất nhập khẩu, DN FDI với mức lãi suất 8.2%/năm đố với VND và 3,8% đối với USD…

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã tiếp nhận danh sách 203 DN có nhu cầu vay vốn với số tiền 3.456 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đã có 149 DN được hỗ trợ giải quyết vay với số vốn 3.073 tỷ đồng.
Nguyễn Hiền (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.