NHNN thời gian qua đã chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.
NHNN chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, NHNN cho biết, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, đồng thời thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD;
Chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như kinh doanh bất động sản, chứng khoán…), đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm khắc phục khó khăn do thiên tai, hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn...
NHNN cũng đã tích cực yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, công khai các thủ tục giao dịch với khách hàng, cắt giảm các khoản phí, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của TCTD.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng bằng việc đối thoại trực tiếp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.
“Chỉ tính riêng năm 2017 đã có trên 370 buổi gặp gỡ, đối thoại, các ngân hàng cam kết cho vay mới đối với các doanh nghiệp với tổng số tiền gần 570.000 tỷ đồng, giải ngân hơn 800.000 tỷ đồng cho hơn 60.000 khách hàng doanh nghiệp và một số đối tượng khác.” – NHNN tổng hợp.
Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 630.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ với tổng dư nợ được hỗ trợ trên 95.000 tỷ đồng cho gần 4.000 doanh nghiệp và hơn 9.000 khách hàng khác.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng đều trong năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo NHNN tính đến ngày 27/4/2018, tín dụng tăng 5,05% so với cuối năm 2017, cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Theo NHNN, đến 31/3/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngành công nghiệp tăng 3,75%, tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 4,35%, tín dụng ngành dịch vụ tăng 3,59%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2017: Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 9,72% (cùng kỳ năm 2017 giảm 0,39%); Với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,57% (cùng kỳ năm 2017 tăng 16,24%); Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 2,61% (cùng kỳ năm 2017 giảm 14,15%).
Đức Nghiêm (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.