25/09/2014 4:34 PM
Giới chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ thời điểm này rất thuận lợi cho việc bỏ trần lãi suất, để thị trường tự định giá vốn dựa trên cung cầu. Tuy nhiên, cơ quan này còn ngại rủi ro và chưa biết phải kết thúc vai trò của trần lãi suất thế nào.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước sẽ... cân nhắc

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ cân nhắc bỏ quy định về trần lãi suất khi điều kiện kinh tế vĩ mô và tiền tệ cho phép.

Theo Thống đốc, việc áp trần lãi suất huy động là do thời điểm cuối năm 2010 các TCTD đua nhau tăng lãi suất huy động vốn để giải quyết khó khăn về thanh khoản, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao. Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đã xin ý kiến và được sự chấp thuận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, về việc áp dụng trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên.

Trong 2 năm trở lại đây, việc thực hiện giải pháp điều hành lãi suất đã phát huy tác dùng trong việc ổn định mặt bằng lãi suất thị trường trong những thời điểm thanh khoản của các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, từng bước giảm mặt bằng lãi suất thị trường theo mục tiêu đề ra, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát.

Cùng với những cải thiện của hệ thống ngân hàng về thanh khoản, sự ổn định của thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng bước dỡ bỏ quy định trần lãi suất. Theo đó từ tháng 6/2012, bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và từ tháng 6/2013 chỉ áp dụng trần đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Việc tiếp tục giữ các mức trần lãi suất này là nhằm định hướng kỳ vọng lạm phát và bảo đảm tính linh hoạt trong việc áp dụng.

“Dưới sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã chấp hành tốt các quy định về trần lãi suất huy động, trong đó, những NHTM có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, đã ấn định mức lãi suất thấp xa so với mức trần quy định”, Thống đốc cho biết.

Thực tế, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức khá thấp so với trần. Thậm chí, có những ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, ACB… lãi suất huy động kỳ dưới 1 năm chưa cao bằng trần lãi suất huy động kỳ dưới 6 tháng là 6% hiện nay.

“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình lạm phát, vừa đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi điều kiện kinh tế vĩ mô và tiền tệ cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bỏ quy định về trần lãi suất”, Thống đốc cho biết.

Chuyên gia: Đã đến lúc bỏ trần lãi suất!

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc dỡ trần lãi suất huy động. "Việc bỏ trần lãi suất sẽ không giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, nhưng giúp định giá tiền tệ tốt hơn. Nhờ vậy, đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng lớn, được quản lý tốt, có thể huy động thêm tiền gửi, trong khi các ngân hàng nhỏ sẽ phải trả chi phí vốn cao hơn. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng", một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Bên cạnh đó, việc sớm bỏ trần lãi suất nhằm loại bỏ những ngân hàng yếu để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, cũng không ít ý kiến quan ngại về việc mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên bởi những ngân hàng nhỏ có nhu cầu vốn cao nhưng lại không có lợi thế về huy động vốn trên thị trường.

Theo Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiện cứu quản lý kinh tế trung ương, sở dĩ Ngân hàng Nhà nước chưa bỏ trần là vì lo ngại rủi ro, vì lý thuyết mới chỉ cách áp trần thế nào chứ chưa nói về cách gỡ trần.

Một bài học kinh điển ở Mỹ vào những năm 1980, cho thấy nếu không quản lý cẩn thận, có thể dẫn đến những rủi ro lớn hậu dỡ bỏ trần lãi suất. Năm 1980, Mỹ quyết định dỡ bỏ trần lãi suất huy động và kết quả là sự tăng trưởng nhảy vọt, rồi sụp đổ của nhiều công ty tiết kiệm và cho vay. Lý do là khi lãi suất huy động được tự do hóa, các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thu hút tiền gửi, đẩy chi phí huy động lên cao.

Có lẽ vậy mà dù muốn bỏ trần lãi suất nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa biết phải làm thế nào.

Trần Giang (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.