Ngày 1/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo chỉ thị này, các tổ chức tín dụng sẽ phải giảm dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất xuống còn 16% vào cuối năm 2011.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Hàng hải. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng dự trữ bắt buộc lên 20% là không tưởng

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, để thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, đồng thời điều chỉnh mạnh cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Các TCTD không được để thiếu hụt vốn khả dụng thanh toán; vốn tín dụng tập trung ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một điểm quan trọng trong Chỉ thị 01 của NHNN là các TCTD phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đến 30-6-2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31-12-2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp TCTD chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với TCTD và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

“Đến cuối năm 2011 dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất sẽ giảm từ 18,7% xuống 16% tổng dư nợ, nhưng thực ra dư nợ lĩnh vực này sẽ không giảm về số tuyệt đối, bởi tổng dư nợ năm nay (trong đó có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất) vẫn tăng dưới 20% như kế hoạch đề ra” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.

Các ngân hàng phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là đối với bất động sản, chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG

Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành linh hoạt lãi suất tái cấp vốn, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất; kết hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác để kiểm soát lãi suất thị trường ở mức hợp lý, phù hợp mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trả lời câu hỏi sắp tới NHNN có xem xét nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay không, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Điều hành chính sách tiền tệ có nhiều công cụ như lãi suất, dự trữ bắt buộc. Chọn lựa công cụ nào phải căn cứ vào điều kiện cụ thể. Ví dụ thanh khoản đang cân bằng, hoặc thiếu hụt một chút mà nâng dự trữ bắt buộc không khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”. Vài năm gần đây, ngoại trừ năm 2007 thanh khoản ngân hàng lúc nào cũng thừa thì có thể nâng dự trữ bắt buộc. Nhưng từ đó đến nay thanh khoản luôn ở mức cân bằng hoặc thiếu. Một số ý kiến cho rằng thời điểm này cần nâng dự trữ bắt buộc lên 20% thì điều đó là không tưởng”.

Các tập đoàn kinh tế đã bán ngoại tệ

Về quản lý ngoại hối, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng ấn định tỷ giá mua, bán của VND đối với USD theo đúng quy định, đồng thời chủ động hoàn thiện quy định nội bộ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết trong kinh doanh ngoại tệ. NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường ngoại tệ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý; bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối.

NHNN cho biết sẽ điều hành để chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ trong nước của TCTD sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Các TCTD sẽ hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, cho vay bằng VND để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: Cho vay ngoại tệ tới đây sẽ theo hướng xem xét cho các đối tượng có tái tạo ngoại tệ được vay; các đối tượng không có tái tạo ngoại tệ sẽ chuyển dần sang quan hệ mua - bán. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ là phải cân bằng cán cân thanh toán. NHNN cũng khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng; theo dõi và dự báo sát tình hình biến động giá vàng quốc tế, cung - cầu trong nước, chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng, điều tiết và ổn định giá vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ làm rối loạn thị trường.

tag: CafeLand, kinh te vi mo, lai suat phi san xuat


Cafeland.vn - Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland