Nhằm hút tiền dài hạn, ngân hàng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất "khủng" hơn 9%/năm. Chuyên gia cho rằng thời hạn gửi 7-8 năm trời đó có rất nhiều thay đổi nhưng lãi suất cố định không đổi, vì vậy lãi suất cao không phải hấp dẫn nhất!
“Siêu” lãi suất
Hiện nay các ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất hấp dẫn đối với chứng chỉ tiền gửi nhằm thu hút dòng tiền.
Như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khi khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48% một năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88% một năm cho năm đầu tiên. Khách hàng còn được hưởng lãi suất ưu đãi khi cầm cố chứng chỉ tiền gửi, chiết khấu và tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào.
Còn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng, lãi suất lên đến 8,8%/năm.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đưa ra mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 9,2%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 60 tháng, số tiền trên 5 tỷ đồng.
Từ 500 triệu đến dưới 5 tỷ, lãi suất 8,0% mỗi năm với kỳ hạn 36 tháng và 9,1% với kỳ hạn 60 tháng.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lý do khiến các nhà băng đang đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi vì họ đang cân đối lại nguồn vốn.
Theo quy định của Thông tư số 06/2016, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Chính vì thế, để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhằm thu hút khách hàng.
Hơn nữa, ngân hàng luôn muốn huy động vốn dài hạn vì họ cho vay dài hạn nhiều, nhất là bất động sản, kỳ hạn có thể lên tới chục năm, thậm chí 20 năm. Vì thế huy động vốn dài hạn luôn được các ngân hàng đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên theo ông, đây không phải là chạy đua lãi suất mà là động thái thông thường của các ngân hàng để huy động vốn dài hạn. Với thời hạn dài lên tới 7 năm thì việc đưa ra lãi suất cao cũng là điều dễ hiểu.
Lãi suất cao không phải là hấp dẫn nhất!
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện các ngân hàng cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào. Chứng chỉ tiền gửi vừa có tính chuyển nhượng, thanh khoản, lãi suất nên hình thức này được những người có tiền, doanh nghiệp mặn mà.
Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng cho rằng người tham gia cũng cần lưu ý, khi bỏ tiền phải xem xét lãi suất, kỳ hạn dài như vậy có phù hợp không.
Người đầu tư phải xem tình hình kinh tế Việt như Nam như thế nào, lãi suất có chấp nhận được trong suốt 7-8 năm hay không.
Khi mua chứng chỉ, lãi suất sẽ cố định như vậy hàng năm trời. Giá trị gia tăng không thay đổi. Mua chứng chỉ 100 triệu thì 8 năm cũng sẽ nhận được 100 triệu không hơn không kém. Nó không như vàng, đô la hay bất động sản.
“Thực tế lãi suất 8-9% khá cao nhưng thời hạn gửi suốt 7-8 năm trời , trong quãng thời gian đó có rất nhiều thay đổi nhưng lãi suất cố định không thay đổi. Vì thế cần phải xem xét. Ví dụ khi mua chứng chỉ giá 100 triệu đồng, khách hàng được nhận lại 100 triệu đồng, giá trị gia tăng không thay đổi. Quy chiếu thời hạn 8 năm vào giá trị hiện tại thì có lẽ âm. Vì thế lãi suất cao nhưng không phải là hấp dẫn nhất”, vị chuyên gia phân tích.
Về lo ngại lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung, song vị chuyên gia cho rằng điều này khó xảy ra.
“Đây là hoạt động huy động vốn bình thường nên tôi nghĩ sẽ khó ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung. Nó có thể bị ảnh hưởng nếu lãi suất trên chứng chỉ tiền gửi quá cao, mặt bằng lãi suất lên, điều đó là chắc chắn. Còn ở trong mức thị trường chấp nhận được thì không ảnh hưởng”, TS Hiếu nói.
Thùy An (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.