09/12/2012 9:38 PM
Theo số liệu đến hết tháng 9-2012, tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 13% so với 31-12-2011. So với mức tăng 10,37% trong tháng 8 thì đây là sự cải thiện đáng kể. Ở vào thời điểm cuối năm như hiện tại vẫn có một số ngân hàng lách trần lãi suất huy động (như lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đã được nhiều ngân hàng tăng lên hoặc cho khách linh hoạt rút vốn lẫn lãi). Có thể nói lượng tiền huy động của đa số các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt.

Tiền dồn về ngân hàng

Bên cạnh đó, chỉ trong quý III, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng tới 43,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở (OMO), bao gồm hơn 36 nghìn tỷ đồng cho hoạt động mua kỳ hạn (reverse repo) và gần 7,5 nghìn tỷ đồng từ lượng tín phiếu NHNN đến hạn trong quý. Thế nhưng, có một nghịch lý là dù cung tiền có gia tăng nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn không thể hấp thụ vốn. Vốn không chảy vào sản xuất cũng có nghĩa là DN không còn nguồn sống và tất nhiên 9 tháng đầu năm con số DN phá sản, giải thể lên tới hơn 40.000 DN không phải là con số bất ngờ. DN kêu trời khó tiếp cận nguồn vốn còn ngân hàng lại có cái lý của họ. Theo các ngân hàng, bản thân họ cũng là DN, nên ngân hàng kinh doanh tiền tệ cũng phải tính đến hiệu quả và khả năng thu hồi vốn cho vay. Tình hình tài chính của DN xấu, không đáp ứng đủ yêu cầu thì không thể cho vay. Cho vay không khéo nợ xấu gia tăng thì các NHTM sẽ bị NHNN hạ xếp hạng, ảnh hưởng đến các mảng hoạt động khác. Vả lại, theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trên 90% tỷ trọng vốn của ngân hàng hiện nay là nguồn vốn ngắn hạn, trong khi kỳ hạn cho vay bình quân dài, tạo nguy cơ rủi ro kỳ hạn và lãi suất. Hơn nữa, sự mất cân đối kỳ hạn vốn của ngân hàng hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, do các DN này chủ yếu vay vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nói như vậy không có nghĩa là các nhà băng đóng băng. Tiền tất nhiên vẫn phải đảm bảo vai trò cho vay ra phục vụ nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên lượng tiền được cho vay ra là rất thấp. Điều này thể hiện ở việc tăng trưởng tín dụng yếu trong thời gian qua. Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 10 đã đạt 3,3%. dự tính cả năm 2012 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ được khoảng 5%. Con số này quả thực là quá khiêm tốn . Ngoài ra, trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng cũng cho thấy lượng tiền cho vay ra chiếm tỷ trọng thấp hơn so với các hoạt động khác.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính quý II-2012 của LienVietPostBank đã thể hiện: Cho vay khách hàng hơn 16.000 tỷ đồng trong khi tổng tiền, vàng gửi tại các TCTD khác, cho vay các TCTD khác và đầu tư chứng khoán là hơn 26.000 tỷ đồng. Ngân hàng SHB, tính đến 30-6-2012, cho vay khách hàng là hơn 30.000 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị tiền, vàng gửi, cho vay các TCTD khác lên tới hơn 40.000 tỷ đồng… Sợ nợ xấu, ngân hàng tìm DN tốt cho vay. Không muốn phá sản, DN tìm mọi cách vay ngân hàng mà không được chấp nhận. Tất cả như chạy đèn cù quanh đống tiền lớn đang đắp chiếu. Chưa biết bao giò trò chơi đèn kéo quân này kết thúc nhưng có thể thấy, tiền chưa được ưu tiên cho DN, cho sản xuất và hậu quả là nợ xấu ngày càng cao, DN tiếp tục phá sản, sản xuất đình đốn, sức mua xã hội sụt giảm, kinh tế tiếp tục suy thoái.

Tiền chảy đi đâu?

DN không tiếp cận được vốn, tăng trưởng tín dụng quá thấp. Vốn cũng không chảy vào thị trường chứng khoán khi thị trường liên tục giảm, thanh khoản yếu. Vốn cũng không dồn về bất động sản bởi thị trường vẫn đóng băng dù đã đề xuất nhiều giải pháp “dã đông”. Vậy tiền chảy đi đâu?

Điểm trũng đầu tiên của dòng tiền là đổ vào trái phiếu Chính phủ. Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp là do các ngân hàng đã mua vào tới 183 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ, tương đương khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng (tính đến cuối năm 2011). Thực tế, thời gian gần đây, các đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần đây luôn “cháy hàng”. Người mua là các ngân hàng thương mại với khối lượng đặt mua gấp 2, 3 lần khối lượng chào bán. Tiền được NHNN bơm ra nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ngân hàng lo ngại nợ xấu, rủi ro khi cho các DN sản xuất vay mềm đã “hy sinh” lợi nhuận và tìm cách an toàn là mua trái phiếu. Tiền không chảy trực tiếp vào nền kinh tế mà đi đường vòng, chảy ngược lại vào ngân sách Nhà nước và sau đó sẽ lưu thông trong xã hội nhưng thông qua các dự án, chi tiêu công của Chính phủ. Đường đi này của tiền về lý thuyết không sai nhưng thực tế thường kém hiệu quả do đầu tư công dàn trải, không kế hoạch và lãng phí. Ngoài đổ vào trái phiếu Chính phủ, một phần tiền nằm lại ngân hàng thương mại được đổ vào trái phiếu của các DN hoặc tổ chức tín dụng khác. Do DN không thể vay vốn ngân hàng nên DN chuyển sang phát hành trái phiếu và cũng chỉ bán cho một vài nhà đầu tư, mà chủ yếu là các ngân hàng. Loại trái phiếu DN này do ngân hàng bảo lãnh phát hành, nếu trái phiếu bán được ít hoặc không bán được thì ngân hàng sẽ đứng ra mua lại số trái phiếu “ế” đó.

Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng là hơn 160.000 tỷ đồng. Trong đó, một số “ông lớn” ngân hàng có dư nợ trên 20.000 tỷ đồng. Một số tổ chức tín dụng khác cũng đổ vào trái phiếu DN trung bình 1.000 tỷ đồng. Có ngân hàng, trái phiếu DN thậm chí chiếm trên 90% cơ cấu đầu tư. Tại báo cáo tài chính năm 2011 của 10 ngân hàng thuộc top 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất cho thấy, quy mô đầu tư trái phiếu năm 2011 của các ngân hàng này là hơn 185 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng tài sản. Techcombank là ngân hàng có giá trị đầu tư trái phiếu lớn nhất năm 2011 với 34,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản của ngân hàng. VPBank là ngân hàng có tỷ trọng đầu tư trái phiếu lớn nhất, 23% tổng tài sản, giá trị 18.800 tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã mua trái phiếu của 7 DN với tổng giá trị đầu tư hơn 4.961 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Tính đến hết 30-6, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lên tới 44.552 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm cuối 2011. Trong đó, hơn 44.155 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 99,1%) là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hết quý II, dư nợ trái phiếu DN của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm 1.623 tỷ đồng so với cuối năm 2011, còn hơn 21.481 tỷ đồng. Ngân hàng Techcombank cũng có dư nợ 26.768 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Khi phân tích nguồn dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của hầu hết các ngân hàng thương mại, có thể thấy bên cạnh các gói trái phiếu DN phát hành cho một số đại gia, tên tuổi, có thông tin tài chính và hoạt động kinh doanh, quy mô năng lực được công bố công khai trên thị trường chứng khoán và trên website doanh nghiệp… thì một lượng dư nợ trái phiếu DN lớn hàng chục nghìn tỷ đồng được các ngân hàng thương mại mua của một số ít các DN “lạ hoắc”, không hề có một chút có thông tin về dạng DN này, ngoài thông tin đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương. Rõ ràng đây là một dạng công ty “sân sau” để đẩy vốn ngân hàng ra cho các “cổ đông lớn” của các ngân hàng, dùng để rút vốn ngân hàng ra cho các cá nhân có lợi ích nhóm liên quan, mà hoàn toàn không dành cho các đối tượng DN khác trong xã hội, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ - đối tượng cần hỗ trợ phát triển để vực dậy và đưa nền kinh tế đi đúng quỹ đạo phát triển theo quy luật.

Theo Kim Ngân (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.