Nhu cầu vốn tiêu dùng ngày càng gia tăng, song không phải khách hàng nào cũng có thể đáp ứng đủ điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra để tiếp cận được vốn. Vì vậy, không ít người đã tìm đến công ty tài chính để được hỗ trợ vốn vay tiêu dùng. Đây chính là lý do khiến các ngân hàng đang tìm kiếm, đẩy mạnh việc mua lại và thành lập các công ty tài chính.
Hoạt động tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ bùng nổ hơn trong thời gian tới. Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, dư nợ mảng cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong năm qua.
Có thể nói, hai năm gần đây, các công ty tài chính đang là “miếng bánh” béo bở cho các ngân hàng tìm mua. Thậm chí, có những công ty chưa kịp ra đời nhưng đã có đối tác ngỏ ý mua lại.
Nở rộ mua bán công ty tài chính
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định về việc chính thức phê duyệt thương vụ sáp nhập công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sau khi đã chấp thuận về nguyên tắc trước đó.
Ba tháng trước, cơ quan này cũng đã chấp thuận việc thành lập công ty con mới của SHB là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc ngân hàng SHB – ông Nguyễn Văn Lê – cho biết, hiện nay, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được tham gia góp vốn mua cổ phần công ty tài chính của ngân hàng SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.
Trước đó, thị trường chứng kiến nhiều cuộc “kết hôn” giữa các ngân hàng với công ty tài chính tiêu dùng. Chẳng hạn, HDBank mua lại công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) chuyển thành HDFinance, sau đó chuyển nhượng 49% cổ phần cho Tập đoàn Crédit Saison (Nhật Bản), đồng thời đổi tên thành công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance).
Tiếp theo, Techcombank mua lại công ty tài chính cổ phần Hóa Chất, chuyển thành công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương; VPBank thành lập FE Credit sau khi nhận sáp nhập công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản.
Năm 2016, Maritime Bank mua lại công ty tài chính cổ phần Dệt may; Ngân hàng Quân Đội nhận sáp nhập công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), thành lập công ty Tài chính TNHH MTV MB…
Hoạt động tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ bùng nổ hơn trong thời gian tới.
Tài chính tiêu dùng là một thị trường lớn, với rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hồi phục. Tuy nhiên, hiện thị trường mới có 6 công ty tài chính tiêu dùng và một số ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Ông Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nhu cầu tiêu dùng của người dân đang đẩy mạnh, nhưng số lượng công ty tài chính tiêu dùng lại quá ít. “Chắc chắn thời gian tới, số lượng công ty tài chính tiêu dùng sẽ tăng mạnh và là mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng khai thác”, ông Hùng nói.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, việc sáp nhập các công ty tài chính vào ngân hàng, ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng, còn giúp tái cấu trúc lại các công ty tài chính cũng như giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn vì trên thực tế, tái cấu trúc các công ty tài chính là một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của Chính phủ.
Tín dụng tiêu dùng kinh doanh bội thu
Báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất mạnh năm 2016, không chỉ với công ty tài chính, mà còn cả hệ thống các ngân hàng thương mại.
Chẳng hạn, trong năm 2016, lượng khách hàng mới của công ty tài chính Home Credit là 1,9 triệu người, tăng 90% so với năm 2015. Lũy kế đến cuối năm 2016, tổng số khách hàng của công ty là 4,9 triệu người.
Lãnh đạo Home Credit cho biết, tăng trưởng doanh số cho vay của công ty trong năm 2016 là 94%. Tính chung, sau 7 năm hoạt động tại Việt Nam, tăng trưởng bình quân của Home Credit đạt 57%.
Riêng công ty tài chính FE Credit có tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận của ngân hàng mẹ là VPBank, với kết quả ước đạt đến cuối năm 2016 là 30.000 tỷ đồng dư nợ và 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đến nay, FE Credit đã có 3,3 triệu tài khoản, hơn 7.900 điểm bán hàng (POS); trong đó thị phần ước đạt gần 70% vào cuối năm 2016.
Đánh giá của các chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng mức lợi nhuận lớn mà một số công ty tài chính có được là nhờ mức lãi vay tiêu dùng cao, có công ty lên tới 40 – 45%/năm. Các công ty này thường cho vay những món nhỏ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, số tiền các ngân hàng thương mại khó có thể cho vay.
Dư nợ giải ngân trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng mà các ngân hàng thương mại cũng “đánh” mạnh vào mảng ngân hàng bán lẻ. Rất nhiều ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhờ vào hoạt động cho vay tiêu dùng.
Báo cáo của NHNN cho thấy, năm 2016, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, góp phần duy trì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với GDP. Tín dụng tiêu dùng ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở với nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách vay.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiệu quả mảng cho vay tiêu dùng chính là lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh tìm mua, thành lập mới các công ty tín dụng tiêu dùng.
Khi thị trường có nhiều công ty tài chính tham gia sẽ có lợi cho người tiêu dùng, do các công ty phải cạnh tranh về lãi vay. Mặt khác, đây cũng là phân khúc được xem tiềm năng nhất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Huyền Anh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.