03/12/2020 7:10 PM
Các ngân hàng đang chạy đua lên sàn chứng khoán, khi theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg, hết năm nay, tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Làn sóng niêm yết, chuyển sàn đã tác động lên cổ phiếu “vua” trong thời gian qua. Trong ảnh: Giao dịch tại LienVietPostBank. Ảnh: Đức Thanh

Không thể không lên sàn

Theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, thì hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Đó chính là lý do khiến các nhà băng hối hả chào sàn trong những tháng gần đây. Cụ thể, Saigonbank, Nam A Bank lên UPCoM trong tháng 10/2020. LienVietPostBank, VIB chuyển từ UPCoM lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đầu tháng 11/2020.

Mới đây, HoSE liên tục chấp thuận hồ sơ niêm yết cho hàng loạt ngân hàng như SeABank, MSB, OCB dự kiến trong tháng 12/2020. HoSE nhận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của SeABank ngày 24/11, nhận hồ sơ niêm yết gần 1,18 tỷ cổ phiếu của MSB (ngân hàng này từng nộp hồ sơ niêm yết tại HoSE vào cuối năm 2019, sau đó rút lại).

Với OCB, sau nhiều năm hoãn niêm yết trên sàn HoSE vì điều kiện thị trường chưa được thuận lợi và phải chốt xong room ngoại, tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng mới thực hiện niêm yết cổ phiếu, hồ sơ niêm yết cổ phiếu của ngân hàng này đã được HoSE chấp thuận và OCB dự kiến lên sàn HoSE cuối năm nay.

Trong khi đó, ACB dừng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ 2/12 để chuyển sang niêm yết ở HoSE từ ngày 9/12.

SHB cũng đang quá trình chuẩn bị thủ tục để chuyển từ sàn HNX sang sàn HoSE. Hiện VietA Bank, BaoViet Bank chưa có thông tin về việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Trong khi đó, ngay cả PG Bank đang trong quá trình chờ sáp nhập với HDBank cũng cho biết chuẩn bị lên UPCoM.

Tác động lên cổ phiếu “vua”

Với dự kiến chuyển sang sàn HoSE trong tháng 12/2020, cổ phiếu ACB được kỳ vọng có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/12, cổ phiếu này đứng tại mức giá 27.300 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh so đầu năm nay.

Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu ACB gần đây khá sôi động với những phiên liên tiếp có khối lượng khớp lệnh trên 16 triệu đơn vị. Đặc biệt, đầu tháng 10/2020, mã này có phiên khớp lệnh kỷ lục hơn 23,2 triệu cổ phiếu.

Làn sóng niêm yết, chuyển sàn đã tác động lên cổ phiếu “vua” trong thời gian qua. Theo các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), việc chuyển sang sàn HoSE từ HNX và UPCoM giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao. Hiện tại, định giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam ở mức thấp so với khu vực, nên còn nhiều triển vọng để bứt tốc.

BSC nhận định, nợ xấu ngân hàng có xu hướng giảm ở các ngân hàng niêm yết. Các ngân hàng đang tập trung xử lý nợ tồn đọng từ quá khứ, làm sạch bảng cân đối. Giảm nợ xấu giúp các ngân hàng giảm được chi phí trích lập dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận. Một số ngân hàng ghi nhận giảm mạnh chi phí dự phòng, hỗ trợ lợi nhuận trong thời gian qua như Techcombank, ACB.

Bộ phận Nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan vừa công bố báo cáo riêng về lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, với những đánh giá tích cực về một số cổ phiếu ngân hàng trong danh mục như VCB, TCB, ACB và đánh giá trung lập với VPB.

Nói về nhóm cổ phiếu ưa thích, VinaCaptial cho rằng, một số nhóm ngành đã cho thấy sự hồi phục như các ngành liên quan đến tiêu dùng nội địa, vật liệu, bất động sản và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, VinaCapital dự báo, đà hồi phục sẽ tiếp diễn ở khối ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu vào đầu năm 2021.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng

9 tháng đầu năm 2020, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.411 tỷ đồng, cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 84% kế hoạch năm 2020. Theo phân tích của SSI Research, lợi nhuận sau thuế của ACB năm 2020 và 2021 dự kiến đạt 8.200 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,2% và 15,5% so với năm liền trước (chưa bao gồm khoản phí trả trước của thỏa thuận độc quyền bancassurance).

Là một trong những ngân hàng chuẩn bị niêm yết sàn HoSE cuối năm nay, OCB cho biết, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 2.500 tỷ đồng. OCB đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Aozora (AOZ, Nhật Bản) cuối tháng 6/2020. Vốn điều lệ OCB chuẩn bị tăng lên trên 11.000 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, SeABank lãi trước thuế 1.131 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 75% kế hoạch năm; lãi sau thuế đạt 887 tỷ đồng, tăng tương đương cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của ngân hàng này đến cuối tháng 9 ở mức 167.426 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Thuỳ Vinh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.