"Bắt tay" để kiểm soát dòng tiền
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc thu hút dòng tiền vào thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính thanh khoản trên thị trường tài chính. Bởi bất động sản hiện được đánh giá là một trong những kênh "hút" vốn nhiều nhất trong năm 2015.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản phục hồi và phát triển, dòng tiền chảy mạnh vào kênh này tạo áp lực về giá, khiến thị trường dễ "lên cơn sốt". Và cũng chính "cơn sốt" này là nguyên nhân khiến bất động sản suy thoái. Dòng tiền đột ngột giảm mạnh dẫn đến tình trạng "sốc", thanh khoản bị "chênh", nguy cơ nợ xấu và tạo ra rủi ro cho thị trường tài chính.
"Hệ quả này chúng ta đã phải gánh chịu trong thời gian qua. Đây là bài học mà cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đều phải rút kinh nghiệm sâu sắc", TS. Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ giữa dòng tiền và bất động sản có sự tác động mang tính tiêu cực nhiều hơn tích cực. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều năm nay giới ngân hàng rất dè dặt "rót" tiền vào bất động sản khi chưa thể nắm chắc "mười mươi" thị trường này đang thực sự phục hồi.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, thị trường bất động sản đã qua được "cơn bĩ cực", trong đó phân khúc nhà ở đã đi tiên phong, đem lại luồng sinh khí mới cho ngành bất động sản.
Và cũng từ đây, giới ngân hàng bắt đầu "săn" doanh nghiệp bất động sản kinh doanh tốt, có tiềm năng để giải phóng "tiền thừa". Tuy vậy, theo các chuyên gia tài chính, để dòng tiền trong bất động sản đi đúng hướng, tránh bị chiếm dụng, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cần cái "bắt tay" chặt hơn.
Ngoài ra, còn một dòng tiền khá dồi dào trong năm 2015 là kiều hối. Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2014, Việt Nam thu hút khoảng 12 tỷ USD kiều hối. Con số này phần lớn đang nằm trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính nhưng có thể đổ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh bất cứ lúc nào.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà ở thương mại với lãi suất khoảng 7%/năm trong thời gian tối thiểu 10 năm. Đây rõ ràng là tín hiệu vui. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự thiết tha bởi họ còn e ngại vết xe đổ của gói 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.
Giới chuyên gia cho rằng, khi thị trường tài chính hoạt động hiệu quả và bắt nhịp được với guồng máy hoạt động sản xuất, kinh doanh thì chuyện tung ra gói này, gói kia không còn ý nghĩa nữa. Khi đó, chính năng lực của doanh nghiệp sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư của mình.