Hàng ngàn căn nhà “lỡ” xây dựng không phép, sai phép tại TP.HCM những tưởng đã thoát cảnh buộc tháo dỡ và được cấp giấy chứng nhận sau khi có quy định được nộp tiền để không phải tháo dỡ phần diện tích vi phạm (Nghị định 121, có hiệu lực từ ngày 30-11-2013). Nhưng hơn chín tháng qua, chỉ duy nhất quận 10 thực hiện điều này và đến nay cũng tạm ngưng.
Chỉ một quận giải quyết
Ông Nguyễn Đức Lợi có căn nhà 15/18/26 Nguyễn Ngọc Lộc, phường 14, quận 10 xây dựng sai phép từ năm 2005. Cụ thể, công trình được nới rộng diện tích tại tầng trệt và lầu một, hai, ba; nới rộng ban công, xây phòng trên ban công, trên sân thượng… Tổng diện tích tăng thêm do xây sai phép là gần 50 m2.
Trong quá trình cấp giấy, hồ sơ căn nhà được chuyển qua bước xử lý vi phạm và UBND quận 10 ra quyết định buộc khắc phục hậu quả, không ra quyết định xử phạt (vì hết thời hiệu hai năm). Với phần sai phép, không phù hợp quy chuẩn xây dựng là xây phòng trên ban công thì chủ nhà tự tháo dỡ vô điều kiện khi Nhà nước thực hiện quy hoạch hẻm. Với các phần vi phạm còn lại, ông Lợi phải nộp vào ngân sách nhà nước “số lợi bất chính do hành vi vi phạm xây dựng” theo quy định của Nghị định 121 với tổng số tiền 21,79 triệu đồng. Sau khi ông Lợi nộp tiền đúng quy định, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng TN&MT quận 10 sẽ giải quyết cấp giấy chứng nhận cho công trình trên.
Công trình này ở quận 10 đã được áp dụng quy định nộp tiền thay tháo dỡ do vi phạm xây dựng. Ảnh: C.TÚ
Tương tự là trường hợp của bà Nguyễn Phương Dung, đại diện chủ sở hữu công trình 77/22C Ngô Gia Tự. Năm 2009, gia đình bà Dung xây thêm tầng lửng và một phòng trên sân thượng với tổng diện tích khoảng 17 m2 nhưng không xin phép xây dựng. UBND quận 10 đã ban hành quyết định buộc bà Dung nộp số lợi bất chính với số tiền gần 20 triệu đồng. Chủ nhà được cấp giấy chứng nhận cho phần xây thêm nếu thỏa điều kiện cấp phép xây dựng. Nếu không đủ điều kiện cấp phép, phần diện tích này không được công nhận nhưng cho phép chủ nhà tạm sử dụng.
Được biết quận 10 có khoảng 100 trường hợp xin cấp giấy chứng nhận có vi phạm như trên và hơn 20 trường hợp thuộc diện vận dụng Nghị định 121 và Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng (cho nộp tiền thay tháo dỡ). Trong khi đó, tại các quận, huyện khác, người dân có nhà vi phạm tương tự như trên vẫn tiếp tục phải chờ. Nhưng gần đây, quận 10 cũng tạm ngưng việc cho nộp tiền thay vì tháo dỡ phần vi phạm xây dựng.
Còn nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Như Hồng, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) quận Phú Nhuận, cho hay thời gian qua đội này chưa giải quyết trường hợp nào được nộp tiền chuộc vi phạm. “Thông tư 02 của Bộ Xây dựng có hướng dẫn cách tính số tiền nhưng vẫn còn một số vướng mắc, chẳng hạn như số tiền phạt có cộng luôn giá trị đất không. Do đó, việc tính toán số tiền phải nộp còn liên quan đến cơ quan TN&MT chứ không phải chỉ riêng ngành xây dựng. Rồi việc nộp tiền phạt ở đâu, cơ quan nào tính toán số tiền” - ông Hồng nêu những khó khăn.
Đại diện Đội TTXD quận Tân Phú cho biết thêm Nghị định 121 lẫn Thông tư 02 đều không đề cập giá trị xây dựng để tính ra số tiền vi phạm căn cứ vào suất vốn đầu tư hay giá thị trường của căn nhà. Còn đại diện Đội TTXD quận 9 thì cho hay vướng mắc ở chỗ nếu cộng cả giá đất vào số tiền phải nộp thì cao quá, người dân không chịu nổi.
Chờ Bộ Xây dựng trả lời
Khi được hỏi quy chế thực hiện và cách tính ra số lợi bất chính để thực hiện tại quận 10, ông Trà Đức An, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho hay: “Quận căn cứ quyết định của UBND TP về biểu giá chuẩn về suất vốn đầu tư. Trong quyết định này có quy định nhà ở riêng lẻ thì giá xây dựng là bao nhiêu. Về giá trị đất thì chỉ cộng vào số tiền phải nộp khi sai phép tại tầng trệt, tức là có nới rộng diện tích so với giấy phép xây dựng”.
Theo ông An, việc nộp tiền thay tháo dỡ chỉ được quận áp dụng trong trường hợp người dân xin cấp giấy chứng nhận, xuất phát từ yêu cầu phải giải quyết rốt ráo việc cấp giấy cho người dân. Đây là những vi phạm từ lâu, hết thời hiệu xử phạt nhưng vẫn bị treo lơ lửng làm ảnh hưởng tới quyền lợi người dân. Riêng những trường hợp vẫn còn thời hiệu xử phạt thì quận chuyển cho Đội TTXD xử lý. Về quy trình, cán bộ Phòng Quản lý đô thị sẽ kiểm tra thực địa để xác định phần diện tích vi phạm xây dựng. Sau đó, phòng này làm tờ trình về số tiền phải nộp để lãnh đạo quận duyệt. “Quận cũng thông báo cho người dân biết số tiền phải nộp và họ thống nhất” - ông An kể.
Về lý do quận 10 ngưng giải quyết, ông An giải thích: Trong quá trình thực hiện, quận gặp một số vướng mắc nên gửi văn bản hỏi Sở Xây dựng. Sở này có công văn cho hay quy định về việc nộp tiền tại các văn bản là “chưa rõ ràng”, “chưa thể áp dụng”, Sở đã gửi công văn hỏi Bộ Xây dựng nhưng đến nay chưa được trả lời. Do đó, quận 10 cũng tạm dừng thực hiện và chờ như các quận, huyện khác.