Đối với phần lớn doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS), tồn tại trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay đã khó, trả cổ tức cho cổ đông càng khó hơn.

Thị trường ảm đạm khiến DN BĐS chật vật trả cổ tức

Nếu theo tinh thần đưa ra từ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm ngoái, đa số DN BĐS đều phải tiến hành trả cổ tức năm 2012 cho cổ đông. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, theo thống kê sơ lược, có rất ít DN trả cổ tức trong năm 2012.

Chỉ có thể kể ra một số đơn vị như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), Công ty CP Thế kỷ 21 (C21), Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghiệp - thương mại Củ chi (CCI), Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu (HDC), Công ty CP Tasco (HUT)...

Tính ra, số DN đã trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2012 chỉ chiếm khoảng 20 đơn vị trong khối DN BĐS niêm yết. Vì thế, báo cáo từ VNDirect chỉ ra, số lượng DN BĐS, xây dựng có lịch trả cổ tức trong năm qua chỉ bằng 1/5 so với năm trước đó.

Trong đó, có không ít tên tuổi lớn: Tập đoàn Đại Dương (OGC), Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL), Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), Tập đoàn Hà Đô (HDG)...

Đáng nói, một số DN như Sao Mai An Giang (ASM) đã đưa ra những kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%, tạo phấn khởi cho nhà đầu tư, nhưng cuối cùng lại không thực hiện được. Dù ASM có lý do chính đáng vì kinh doanh sa sút, tài chính eo hẹp... thì nhiều cổ đông vẫn cảm thấy hụt hẫng.

Giám đốc một DN BĐS ở TP.HCM chia sẻ, mùa ĐHCĐ năm nay, ông lo ngại và hồi hộp nhất là giải bày với cổ đông vấn đề cổ tức. Ban quản trị sẽ nói sao để cổ đông thông cảm và chấp nhận sự thật DN không đủ khả năng chi trả cổ tức là vô cùng khó.

Thực tế, những DN BĐS còn giữ được lời hứa chi trả cổ tức cho cổ đông, còn tính toán được dòng tiền để chi trả cổ tức đều là DN làm ăn khá ổn định. Thậm chí như BCI còn đạt lợi nhuận tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra.

Nhưng kết quả này không xóa được bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS nói chung và tình trạng làm ăn thua lỗ, thất bát của DN nói riêng.

Ngay trong báo cáo tài chính của BCI cũng hở ra những khó khăn không nhỏ, như giá vốn cao hơn doanh thu. Nếu không nhờ khoản thu nhập đột biến từ hoạt động tài chính kéo lại, tình hình ở BCI có thể đã căng thẳng.

"Với khó khăn chồng chất, DN vẫn tiến hành trả cổ tức, nghĩa là chúng tôi đang rất gồng gánh", giám đốc tài chính một công ty BĐS tại TP.HCM chia sẻ. Ông cho biết, công ty ông không phải đã hết cảnh "dầu sôi lửa bỏng", nhưng để giữ đúng cam kết với cổ đông, lãnh đạo DN cố tìm cách xoay xở.

"Đó có thể chỉ là một phần, với tỷ lệ 5-7%, chúng tôi hy vọng cổ đông sẽ thấy đây là nỗ lực rất lớn từ phía DN, vì quyền lợi cổ đông", vị này nói thêm.

Trong khi đó, một số DN như Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG), Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh nhà (ITC)... chọn giải pháp không đề cập như một cách gửi thông điệp linh hoạt đến cổ đông. Nhưng năm qua, sự im lặng đã đồng nghĩa với chưa chia cổ tức.

Đến nay, chỉ vài DN như BCI, HDC, Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC), Năm Bảy Bảy (NBB)... là có thông báo về kế hoạch tiến hành ĐHCĐ năm 2013. Nhưng chưa DN nào trong nhóm ngành này gửi tài liệu trước cho cổ đông tham khảo. Do đó, đến giờ phút này, thông tin cổ tức dự kiến năm 2013 ở nhóm DN BĐS vẫn còn là ẩn số.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cách thức "im lặng, không đề cập" đến vấn đề cổ tức, không chia cổ tức sẽ được nhiều DN lựa chọn. Trường hợp DN vẫn quyết định trả cổ tức, một mức chi trả thấp hơn năm 2012 được dự báo sẽ phổ biến.

Riêng cổ đông đã mất dần hy vọng sẽ nhận được cổ tức tương xứng trước tình hình thị trường BĐS vẫn u ám và nhiều DN BĐS đang lao đao.

Một cổ đông ở Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) nhìn nhận, một mức cổ tức thấp, thanh toán nhỏ giọt, có thể bị trì hoãn nhiều lần sẽ là kịch bản phổ biến nhất hiện nay.

  • Chậm cấp giấy chứng nhận nhà đất dự án, người mua gánh hậu quả

    Chậm cấp giấy chứng nhận nhà đất dự án, người mua gánh hậu quả

    Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6-2013 cả nước phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (GCN) đối với những trường hợp cấp GCN lần đầu. Tuy nhiên, thực tế chỉ mới có 10% nhà đất dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM được cấp GCN. Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do chủ đầu tư. Một số cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương cũng chưa làm hết trách nhiệm.

  • Xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản: Cần có “sự huỷ diệt tích cực”

    Xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản: Cần có “sự huỷ diệt tích cực”

    Khái niệm “sự huỷ diệt tích cực” lần đầu tiên được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc đến trong Bản tin kinh tế vĩ mô số 8 (quý I/2013) như một điều kiện bắt buộc để giải quyết khối nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. <br/br>

  • Phân khúc căn hộ giá rẻ: Thừa cầu, thiếu cung

    Phân khúc căn hộ giá rẻ: Thừa cầu, thiếu cung

    Các chuyên gia bất động sản đều cho rằng, người có nhu cầu thực về nhà ở vẫn rất lớn, tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường lại rất thiếu sản phẩm có giá phù hợp với điều kiện kinh tế của đối tượng này. <br/br>

Xuân Hòa (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.