Với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 14,7 tỷ USD chỉ bằng 74% so với năm 2010, đây là năm thứ ba liên tiếp thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sụt giảm. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) vừa công bố những thông số về tình hình thu hút vốn FDI năm 2011 và định hướng năm 2012.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 15/12/2011 vốn đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD chỉ bằng 74% so với năm 2010. Trong đó, vốn thực hiện ước đạt 11 tỷ USD, bằng với mức thực hiện của năm ngoái và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đây là năm thứ ba liên tiếp thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sụt giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là một địa chỉ tin cậy với các nhà đầu tư thế giới và hiện chúng ta đang đứng thứ nhất trong khối Asean về mức độ hấp dẫn.

Đáng chú ý nhất, trong năm qua là xu hướng giảm hẳn việc cấp giấy phép cho những dự án quy mô lớn và rất lớn (có vốn đăng ký hàng tỷ USD), nhất là các dự án bất động sản.

Có được kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Thế Phương, là do cơ quan chủ quản đã triển khai có trọng tâm trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, cũng như chú trọng thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án.

Trả lời báo chí về việc tại sao vẫn chưa đưa ra tên cụ thể một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, vừa qua Bộ đã tổ chức ba đoàn công tác liên Bộ để kiểm tra một số doanh nghiệp tại TPHCM, Hà Nội và Nghệ An có dấu hiệu “nghi vấn” chuyển giá nhưng vẫn chưa thể đưa ra được kết luận có chuyển giá hay không!?

“Không dễ bởi để kết luận được chúng ta cần có bộ cơ sở dữ liệu, phải có đủ thông tin cũng như đủ nguồn lực có trình độ. Mà những điều này chúng ta chưa thể làm được. Chúng tôi cũng rất muốn nêu đích xác vài trường hợp để có tính răn đe với các doanh nghiệp khác, nhưng kết luận phải có tính thuyết phục nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, giải pháp trước mắt vẫn là các ngành, các cấp đặc biệt là cơ quan thuế phải kiểm tra chặt chẽ hơn việc thu- chi cũng như kiểm soát việc chuyển các đồng tiền ra bên ngoài của doanh nghiệp, cùng đó phối hợp với các ban ngành khác tại các địa phương để bóc tách hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong năm 2012, dự kiến sẽ thu hút khoảng 15-16 tỷ USD, trong đó giải ngân cũng chỉ tương đương với con số 11 tỷ USD của năm nay. Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, định hướng chủ yếu sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI. Cùng đó sẽ chọn lọc định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… hạn chế thu hút trong lĩnh vực phi sản xuất làm gia tăng nhập siêu.

Liên quan đến tình hình đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, số liệu cho thấy, năm qua Việt Nam đã cấp mới cho 75 dự án tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu tại Lào, Campuchia, Venezuela, Nga, Malaysia… với số vốn đăng ký đạt 2,12 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện ước đạt khoảng 950 triệu USD ở tập trung ở các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, cao su./.

Theo Thành Tâm (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.