08/11/2016 10:06 AM
CafeLand – Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà đầu tư trong ngành tại Hội thảo Ngành thép Việt Nam – Thăng trầm và triển vọng vừa diễn ra tại Tp.HCM.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư, giá thép thời gian tới khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh

Đánh giá sự phát tiển thị trường thép trong vài năm gần đây, các chuyên gia, nhà đầu tư cho rằng thép Việt Nam có nhiều biến động, thăng trầm theo xu hướng chung của ngành thép thế giới. Hiện giá thép đang tăng nhưng chưa bền vững.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh, dao động từ 10-6%. Chỉ riêng Hòa Phát và Hoa Sen vẫn giữ ở mức cao 17-18%. Giai đoạn này tốc độ giảm giá diễn ra mạnh nhất khiến lượng hàng tồn kho sản xuất với giá nguyên liệu ở mức cao không tiêu thụ kịp so với tốc độ giảm giá của thành phẩm.

Tuy nhiên, tới quý 1/2016, mặc dù giá thép vẫn giảm trong tháng 1 và chỉ hồi phục nhẹ từ tháng 3, nhưng các doanh nghiệp đã điều chỉnh chính sách tồn kho phù hợp hơn với diễn biến thị trường, do đó biên lợi nhuận dần được cải thiện.

Trong quý 2/2016, khi giá thép phục hồi rõ nét, cùng với thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực, tạo thành 2 yếu tố cộng hưởng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép tăng lên.

Một số doanh nghiệp nhanh nhạy với biến động thị trường, chủ động tích trữ nguyên liệu giá thấp trong quý 1/2016 còn đạt tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong quý 2/2016, đảo ngược hoàn toàn so với quý 4/2015. Chẳng hạn, Hòa Phát đạt biên lợi nhuận gộp 32%, Hoa Sen 24%, Thép Tiến Lên 23%, Thép Nam Kim 16%, SMC 10%,…

Sau giai đoạn phục hồi mạnh trong quý 2/2016, giá quặng sắt tiếp tục biến động trong quý 3 và chưa thể hiện rõ xu thế phục hồi hoàn toàn. Do vậy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép nhìn chung có xu hướng giảm.

Dự đoán về giá thép trong năm 2017, theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, biến động giá thép năm tới sẽ tương tự như giá năm 2016, chỉ tăng nhẹ khoảng 1-2%. Lý do là nhà sản xuất Trung Quốc muốn duy trì mức lợi nhuận hiện tại. Bên cạnh đó, những trung tâm kinh tế của thế giới như EU, Trung Quốc chưa thể hồi phục về thời kỳ hoàng kim và vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại SMC cũng cho rằng, giá thép trong tương lai phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới và giá dầu. Do ngành thép là ngành tiêu hao năng lượng lớn. Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc như cắt giảm sản lượng ngành than, siết chặt sản xuất của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ có tác động lớn đến mặt hàng này. Do đó, giá thép khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.