01/08/2015 11:35 AM
Bên lề Hội nghị “Xây dựng năng lực tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh” tổ chức ngày 30-31/7/2015 tại Đà Nẵng, TSKH. Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết năm 2016, Việt Nam sẽ triển khai thị trường chứng khoán phái sinh.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cho đến thời điểm này, hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh vận hành còn thiếu những gì, thưa ông?

Cho đến thời điểm này, về cơ bản những quy định, định hướng thiết lập cho thị trường, đảm bảo sự phát triển thị trường chứng khoán phái sinh và công tác quản lý nhà nước đối với thị trường này đã đầy đủ. Vấn đề còn lại là hướng dẫn, chi tiết hoá các định hướng này.

Hệ thống khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm từ Nghị định, Thông tư đến các quy chế hướng dẫn. Ngày 5/5/2015, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, dưới Thông tư sẽ có các quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).

Như vậy, có thể nói, hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh chỉ còn chờ Thông tư hướng dẫn Nghị định mà chúng tôi đang dự thảo. Dự kiến, Thông tư này cũng được sớm lấy ý kiến thành viên thị trường, hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian sắp tới.

Với việc chuẩn bị như vậy, nhanh nhất bao giờ Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh, thưa ông?

Hiện nay, tất cả các công đoạn chuẩn bị cho thị trường chứng khoán phái sinh đều đang được tích cực triển khai đồng bộ theo đúng các lộ trình phát triển thị trường và phát triển sản phẩm tại Đề án phát triển thị trường chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cho đến giờ phút này, các hoạt động đều đã được thực hiện theo đúng lộ trình, phần còn lại thì Ủy ban Chứng khoán đang cùng với VSD và HNX nỗ lực và quyết liệt thực hiện, bảo đảm theo đúng lộ trình là trong năm 2016, Việt Nam sẽ triển khai thị trường chứng khoán phái sinh.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 42 sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42 sẽ hướng dẫn 2 nội dung chính. Nội dung thứ nhất mang tính nền tảng, trong đó đưa ra các quy định cụ thể đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh như: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại.

Những quy định này sẽ đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong thời điểm hiện tại và trong tương lai, kể cả khi có thêm nhiều sản phẩm chứng khoán phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác.

Nội dung thứ hai liên quan tới sản phẩm. Theo chủ trương phát triển thị trường chứng khoán phái sinh nhưng bảo đảm sự quản lý tốt của thị trường, thì ở giai đoạn đầu khi triển khai thị trường, dự kiến chỉ có 2 sản phẩm phái sinh cơ bản là: hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu.

Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa, bổ sung các sản phẩm khác theo mức độ phát triển của thị trường phát triển và theo nhu cầu thị trường, ví dụ như quyền chọn, quyền chọn hợp đồng tương lai, hay các chứng khoán phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở khác, không phải là chứng khoán. Các sản phẩm này sẽ được hướng dẫn tại các văn bản tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng: phái sinh là công cụ để phòng ngừa rủi ro và cổ phiếu mới cần tới nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro hơn. Tại sao, sản phẩm đầu tiên của thị trường chứng khoán phái sinh lại bắt đầu từ trái phiếu chính phủ - sản phẩm có độ rủi ro gần như bằng “0”?

Đây là câu hỏi rất thú vị và cũng vì thế mà chúng tôi muốn tổ chức rất nhiều chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức để nhà đầu tư hiểu rằng: Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số là công cụ phòng ngừa đa dạng, thích hợp cho tất cả mọi cổ phiếu, danh mục cổ phiếu.

Chứ nếu chứng khoán phái sinh mà chỉ dựa trên sản phẩm cơ sở là một loại cổ phiếu thì chỉ có tác dụng phòng ngừa rủi ro cho một loại cổ phiếu đó thôi, và rất có thể không đủ thanh khoản để duy trì chứng khoán phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ.

Nhiều người nghĩ rằng, chứng khoán phái sinh của cổ phiếu nào thì mới phòng ngừa được rủi cho cổ phiếu đó. Nhưng đó không hoàn toàn đúng. Bởi giữa mỗi loại cổ phiếu và chỉ số thị trường luôn có một mối tương giao, chính là hệ số tương quan.

Như vậy, thông qua hợp đồng tương lai trên chỉ số thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa rủi ro cho từng loại cổ phiếu đơn lẻ, thậm chí cả những cổ phiếu không nằm trong rổ chỉ số.

Trái phiếu chính phủ đương nhiên là công cụ có mức độ rủi ro gần như bằng 0, nhưng lưu ý, đó là rủi ro thanh toán. Còn bản thân sản phẩm này vẫn chịu những biến động về giá do sự thay đổi mặt bằng lãi suất.

Và đề phòng ngừa rủi ro giá (rủi ro thị trường này), các tổ chức đầu tư vẫn cần những công cụ phái sinh, và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ chính là câu trả lời cho vấn đề nêu trên.

Đây là những vấn đề thuộc về học thuật cũng như phương pháp và kinh nghiệm đầu tư. Do vậy, đó là những nội dung quan trọng mà chúng tôi sẽ đề nghị các chuyên gia quốc tế cung cấp kiến thức, cách thức, kinh nghiệm để sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro là chứng khoán phái sinh.

Theo đánh giá của ông, hiện có bao nhiêu công ty chứng khoán đủ điều kiện để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh?

Tôi nghĩ, với tiêu chí hiện tại khi thị trường chứng khoán phái sinh mới ra đời còn manh nha, thì số lượng công ty chứng khoán vào khoảng 15-20 công ty và gần 20 ngân hàng thương mại là đủ cho thị trường khởi tạo.

Trong vài ba năm tới, cùng với sự vận động của chính sách theo Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán mà chúng ta đang theo đuổi là làm sao để tăng cường năng lực của công ty chứng khoán đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cũng như đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính, thì số lượng công ty chứng khoán có số vốn đủ lớn, thông qua việc hợp nhất sáp nhập...và đáp ứng đầy đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ sẽ ngày càng nhiều hơn.

Tôi tin rằng, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh thì số lượng công ty chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ phái sinh sẽ tiếp tục tăng lên.

Thị trường chứng khoán phái sinh thực sự đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị từ 4-5 năm trước đây, ông có thể cho biết đâu là khó khăn gặp phải trong quá trình này?

Tôi nghĩ rằng, đây thị trường mới và khái niệm mới, nên khó khăn nằm ở chỗ, chúng ta phải thống nhất được nhận thức, để hiểu thật rõ ràng về sản phẩm cũng như hiểu thấu đáo triết lý quản lý thị trường này từ các bài học kinh nghiệm quốc tế.

Để làm được điều này, công tác đào tạo, cập nhật kiến thức cho cả các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính và công chúng đầu tư hiểu được khái niệm, mô hình hoạt động, vai trò, các ưu việt nổi trội cũng như các rủi ro tiềm tàng của chứng khoán phái sinh là quan trọng nhất.

Bởi chứng khoán phái sinh không chỉ phục vụ riêng thị trường chứng khoán mà cho cả nền kinh tế, đặc biệt khi mà sau này, chúng ta triển khai các sản phẩm phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở khác, thì là các lĩnh vực khai khoáng, xuất - nhập khẩu, lãi suất, tỷ giá… đều có thể được phòng ngừa rủi ro sử dụng chứng khoán phái sinh.

Chúng ta cũng không được phép bỏ qua các bài học thất bại, những nguồn gốc phát sinh rủi ro có liên quan tới thị trường chứng khoán phái sinh để thường xuyên hơn cập nhật hệ thống quy định pháp lý và khung quản lý, bảo đảm sự an toàn và sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán phái sinh.

Ông đánh giá thế nào về sự chào đón của các thành viên thị trường đối với một mảnh đất mới mẻ nhưng màu mỡ là thị trường chứng khoán phái sinh?

Cho đến thời điểm này, các thành viên rất chủ động trong việc gia nhập thị trường. Họ cũng hiểu rằng, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh là bước tất yếu của sự phát triển của thị trường chứng khoán, làm sao có được đầy đủ công cụ để giúp cho nhà đầu tư tham gia an toàn và bảo vệ được lợi nhuận của họ.

Đồng thời, các thành viên thị trường cũng hiểu được rằng, đó là yếu tố sống còn của công ty trong bối cảnh mới của thị trường cũng như sự hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Vậy cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán phái sinh là gì, thưa ông?

Về cơ hội của nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi sẽ thiết kế các sản phẩm làm sao phù hợp với nhà đầu tư tổ chức, nhưng cũng có cả những sản phẩm tương tự, được thiết kế với quy mô vừa nhỏ đáp ứng nhu cầu quản lý rủi ro của nhà đầu tư cá nhân. Xét cho cùng, chứng khoán phái sinh không phải là công cụ chỉ dành riêng cho nhà đầu tư tổ chức.

Trước sự biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc, một lần nữa cho chúng ta thấy rằng: cần có cấu trúc cơ sở nhà đầu tư vững chắc dựa trên nền tảng những nhà đầu tư chuyên nghiệp, quản trị rủi ro tốt.

Một nhà đầu tư chuyên nghiệp quản trị rủi ro tốt, có tiềm lực tài chính để không vào trạng thái đầu tư theo phong trào, thì quản trị rủi ro rõ ràng phải dựa trên công cụ phòng ngừa rủi ro.

Do vậy, chứng khoán phái sinh là nơi cung cấp sản phẩm để quản trị rủi ro tốt, thiếu chứng khoán phái sinh là thiếu công cụ quản lý rủi ro. Và cùng với cơ cấu nền tảng nhà đầu tư nhỏ lẻ, tiềm lực chưa ổn định thì rõ ràng cần vượt qua nhiều thách thức để phát triển.

Hoàng Xuân (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.