CafeLand – Có thể nói, 2015 là năm bùng nổ của ngành ngân hàng khi hàng loạt tổ chức tín dụng cùng tuyên bố sáp nhập, chính thức xóa tên khỏi thị trường tài chính. Điểm lại, từ đầu năm đến nay đã có 4 cái tên ngân hàng “biến mất” do về chung một nhà với các nhà băng khác.

PG Bank – Vietinbank

Mở màn cho thương vụ sáp nhập đầu tiên trong năm 2015 của ngành ngân hàng phải kể đến cặp đôi PG Bank – Vietinbank. Sau khi việc ký kết hồ sơ sáp nhập PG Bank vào Vietinbank chính thức hoàn tất vào ngày 22/5.

Được biết, đề xuất sáp nhập này là xuất phát từ phía PG Bank. Trước khi sáp nhập vào Vietinbank, PG Bank là một trong số ít các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hiện nay, 3.000 tỷ đồng - bằng số vốn tối thiểu theo quy định. Nợ xấu của Ngân hàng này có thời kỳ ở mức cao trên 9%/năm. Gần đây, mặc dù nợ xấu đã được kiểm soát ở mức dưới 3% tuy nhiên chưa ổn định, mức tăng trưởng về tổng tài sản, huy động lẫn tăng trưởng dư nợ và thị phần còn tương đối khiêm tốn.

Thương vụ này được đánh giá là “lối thoát” cho PG Bank trong tái cơ cấu phát triển, trong khi Vietinbank được củng cố vị trí ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống hiện nay.

Sau khi sáp nhập thêm PG Bank, vốn điều lệ của Vietinbank tăng từ 38.000 tỷ đồng lên thành 41.000 tỉ đồng, tổng tài sản và số dư tín dụng đều tăng. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới hoạt động cũng mở rộng hơn với thêm 16 chi nhánh và 63 phòng giao dịch.

MHB – BIDV

Một ngày cuối tháng 5/2015, toàn bộ bảng hiệu Hội sở chính, 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch MHB trên toàn quốc đã phải gỡ bỏ và đổi thành bảng hiệu mang tên BIDV. Kể từ đó, thương hiệu MHB cũng đã chính thức bị xóa sổ để về cùng nhà với BIDV.

Đây là thương vụ sáp nhập có thời gian thực hiện nhanh nhất từ trước tới nay. Toàn bộ quá trình thực hiện công tác sáp nhập MHB vào BIDV được thực hiện trong vòng 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV và chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Thống đốc NHNN có quyết định chấp thuận việc sáp nhập chính thức.

Sau sáp nhập MHB vào, tài sản của BIDV tăng lên trên 700 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ tăng trên 34 nghìn tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên.

Dù có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc sáp nhập MHB vào sẽ là gánh nặng đối với BIDV trong vấn đề xử lý nợ xấu hậu sáp nhập. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo BIDV khi đó cho rằng không đáng lo và sẽ làm mọi cách để đưa nợ xấu về dưới 3% trong năm nay. Trên thực tế, tính đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của BIDV là 2,16%, tăng nhẹ so với kết quả 2,03% thời điểm đầu năm. Một trong những nguyên nhân làm tăng nợ xấu của ngân hàng này là đến từ MHB sau sáp nhập.

MDB - Maritime Bank

Sau 2 thương vụ sáp nhập nửa đầu năm 2015, đến 12/8 MDB cũng đã nối gót những ngân hàng nhỏ để về với đại gia lớn hơn là Maritime Bank.

Được biết, việc hợp nhất này diễn ra theo Quyết định số 1391/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành trước đó vào tháng 7.

Sau khi sáp nhập, Maritime Bank nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam tính về vốn điều lệ và mạng lưới giao dịch với tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, hệ thống giao dịch gần 300 điểm.

SouthernBank – Sacombank

Muộn nhất và cũng là vụ sáp nhập cuối cùng trong năm 2015 là 2 ngân hàng SouthernBank và Sacombank.

Ngày 1/10/2015 đánh dấu sự kiện SouthernBank cùng màu cờ sắc áo về chung đội với Sacombank. Sau 22 năm tồn tại và phát triển, cuối cùng cái tên SouthernBank cũng đành chấp nhận vùi sâu vĩnh viễn vào dĩ vãng.

Thương vụ này đã được SouthernBank tiết lộ từ tháng 3/2014, khi Ngân hàng này lần đầu tiên xin ý kiến cổ đông về chủ trương sáp nhập nhằm tái cơ cấu và bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Xuất phát từ việc sau nhiều lần tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng nhưng thực tế, kết quả kinh doanh của SouthernBank không mấy sáng sủa, nợ xấu gần đây tăng cao. Sáp nhập vào một tổ chức tín dụng lớn mạnh hơn được cho là giải pháp tốt cho nhà băng này.

Còn Sacombank, sau khi đón Southern Bank về chung nhà, tổng tài sản được nâng lên mức cao với gần 290.900 tỷ đồng; vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng. Nhà băng mới có mạng lưới hoạt động lên đến 567 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia, tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.

Năm 2015 được xem là năm cuối thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015. Sau 5 năm thực hiện, tính đến nay đã có 9 nhà băng được sáp nhập, hợp nhất về chung nhà và 4 ngân hàng bị mua lại.

Ngoài các cặp đôi nói trên đã chính thức sáp nhập thì hiện vẫn còn một số thương vụ khác vẫn chưa ngã ngũ. Đó là Vietcombank – SaigonBank, Eximbank – Nam A Bank, DongA Bank – ABBank. Mặc dù có nhiều đồn đoán xuất hiện trên thị trường suốt nửa đầu năm 2015 nhưng đến nay, mọi thông tin sáp nhập của các nhà băng này vẫn kín như bưng.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.