Mặc dù không có sự chấp thuận trước của chủ đầu tư, nhưng một số tổ chức và cá nhân, khi thực hiện các hoạt động kinh doanh và xúc tiến thương mại của mình, đã đăng tải và sử dụng các thông tin, hình ảnh, biểu tượng kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại của dự án bên cạnh như tiện ích và cơ sở hạ tầng trên các thông tin điện tử, tờ rơi, các ấn phẩm quảng cáo và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Thậm chí, chủ đầu tư một số dự án bất động sản còn thông tin sai lệch trên các trang web rằng, các dự án của mình là một phần của dự án lớn. Điều này gây không ít hiểu lầm cho người mua nhà.
Đang có nhu cầu mua nhà, ông Nguyễn Đức Minh tìm hiểu thông tin về dự án tại quận Tây Hồ này. Đọc quảng cáo trên các trang mạng thấy dự án có mức giá khá hợp lý, ông Minh liền tìm hiểu và gọi tới nhân viên môi giới.
Khảo sát hầu hết các trang rao vặt quảng cáo bất động sản cho thấy, các nhân viên môi giới đều ghi tiêu đề dự án với nhiều tiện ích như hạ tầng giao thông, sân golf, khuôn viên xanh,...
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, ông Minh mới ngã ngửa rằng, dự án này không liên quan tới khu đô thị Ciputra và chắc chắn những cư dân tương lai mua nhà ở đây không được hưởng các tiện ích sẵn có như vậy.
Một dự án khác cũng đang mượn danh Ciputra để quảng cáo là chung cư IA20. Nhiều website của dự án đã gắn thêm mác "Ciputra", với những cái tên như: chungcuia20ciputra.net; ia20ciputrabanmua.com, ia20-ciputra.net; chungcuia20ciputra.wordpress.com.
Trên các tờ quảng cáo treo dọc vỉa hè, dự án in đậm dòng chữ “Phong cách châu Âu cạnh Times City”. Nhân viên bán hàng cho biết, do vị trí gần Times City nên cư dân tại đây có thể sang dự án bên cạnh để mua sắm hay vui chơi, vì thực tế chủ đầu bên cạnh đã phát triển dự án từ lâu và có các tiện ích như trung tâm thương mại, thủy cung, nhạc nước,...
Tại TP.HCM, chủ đầu tư lớn như Phú Mỹ Hưng, Novaland hay Vingroup đều bị các dự án bên cạnh đưa tên vào quảng cáo bán hàng của nhân viên môi giới.
Người mua cẩn trọng
Qua tìm hiểu, dự án bị mượn danh đều của các chủ đầu tư uy tín, trong nước và quốc tế. Các dự án này đã đi vào hoạt động, có nhiều tiện ích như trung tâm mua sắm, khu vui chơi, công viên, trường học... Nhưng thực tế, các tiện ích này chỉ phụ vụ cư dân của dự án là chính, các dự án xung quanh khó có thể được hưởng lây.
Đại diện một chủ đầu tư cho hay, trong khu đô thị trước đây có một vài khu đất của đã chuyển nhượng lại cho các chủ đầu tư khác. Tuy nhiên, khi các chủ đầu tư này xây dựng dự án thì họ vẫn lấy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông là dự án của họ. Điều này là không chính xác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, giám đốc một công ty BĐS, cho rằng: “Việc mượn tên tuổi các dự án bên cạnh để bán hàng hầu hết do nhân viên môi giới thực hiện, chỉ để tôn dự án cùng đẳng cấp với các ông lớn, còn việc hưởng các tiện ích của họ là điều hoàn toàn không thể. Mỗi dự án đều có quy định riêng, không cho phép cư dân bên ngoài vào trừ các khu mua sắm”.
Bên cạnh đó, không ít dự án quảng cáo gần khu đô thị này nọ nhưng thực tế lại đi rất xa mới tới nơi. Chính vì thế, người mua không nên ham những yếu tố này vì hai dự án không có mối liên hệ nào.
Luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty luật IB Legal Việt Nam cho rằng, các hành vi dẫn thông tin không chính xác về sản phẩm, đưa thông tin sai hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm và nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm đó được coi là các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật quảng cáo và là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền lợi của doanh nghiệp và các khách hàng và bị pháp luật nghiêm cấm.
Việc các tổ chức cá nhân sử dụng trái phép biểu tượng kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và các tài sản quyền sở hữu trí tuệ khác của chủ đầu tư khác cũng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.