01/09/2014 9:24 AM
Vừa qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Phương, 62 tuổi, thường trú tại tổ 12, khu 2A, phường Cao Thắng, TP Hạ Long có đơn khởi kiện UBND TP Hạ Long đối với Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất (như trường hợp bán đấu giá đất) cho gia đình ông.

Mảnh đất và nhà ông Phương (đánh dấu x)

Nội dung vụ việc như sau: Gia đình ông Nguyễn Văn Phương có mảnh đất diện tích 129,8 m2 mang số 474, tờ bản đồ địa chính 41, phường Cao Thắng, TP Hạ Long. Nguồn gốc mảnh đất trên có từ hai thửa đất liền kề nhau, thửa thứ nhất có diện tích 60m2, nguồn gốc do ông mua từ năm 1985; thửa đất thứ 2 có diện tích 71,5m2, do vợ ông là bà Phạm Thị Liên mua từ năm 1986. Việc mua bán chuyển nhượng bằng giấy viết tay, có xác nhận của UBND phường Cao Thắng.

Từ năm 1986 đến 1989, gia đình ông xây dựng nhà ở và làm xưởng sản xuất trên 2 thửa đất. Năm 1997, địa chính phường đã đo đạc và hợp nhất 2 thửa đất thành một thửa có diện tích 129,8 m2 mang số 474, tờ bản đồ địa chính 41, phường Cao Thắng, TP Hạ Long.

Năm 2002 để phục vụ cho Dự án cầu Bãi Cháy, cơ quan có thẩm quyền đã lập phương án thu hồi toàn bộ hiện trạng thửa đất của ông Phương là 150,6m2, bao gồm 129,8 m2 đất trong bản đồ địa chính năm 1998. Trong đó bồi thường 60 m2 diện tích đất ở, với đơn giá đền bù cho mỗi m2 đất là 4,4 triệu đồng (giá đất thị trường tại thời điểm đó là gần 10 triệu đồng/ m2), đất trong khuôn viên 69,8 m2, đền bù theo đơn giá 1,342 triệu đồng/m2 và hỗ trợ đất ngoài khuôn viên 20,8 m2 theo đơn giá 32 nghìn đồng/m2 . Tổng số tiền mà ông Phương được đền bù đất và nhà là 629 triệu đồng và được nhận một mảnh đất diện tích 54 m2 tái định cư tại khu vực kho than I, II.

Chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, phục vụ cho dự án cầu Bãi Cháy, gia đình ông đã thực hiện bàn giao 76,6 m2 cho Dự án theo biên bản giao nhận đất ngày 10/6/2001. Diện tích còn lại 74 m2. Nhưng trong quá trình thực hiện phương án bồi thường, ông Phương đã phát hiện điều vô lý là 74 m2 đất còn lại của ông mà Ban GPMB xác định là đất vườn lại nằm ngoài dự án, nhưng vẫn được lập phương án thu hồi toàn bộ bằng QĐ số 2922/QĐUB ngày 29/8/2002 của UBND TP Hạ Long.

Khi phát hiện việc mảnh đất của mình bị thu hồi nhưng không có mục đích, ông Phương đã có những kiến nghị và chỉ nhận tiền bồi thường diện tích 60 m2 thu hồi cho dự án cầu Bãi Cháy, diện tích còn lại ông và gia đình không đồng ý nhận đền bù. Từ đó đến nay, mảnh đất 74 m2 gia đình ông vẫn sử dụng để ở và thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất và liên tục kiến nghị yêu cầu được cấp Giấy CNQSD đất cho thửa đất còn lại sau thu hồi nói trên.

Theo luật sư Trần Nho Kiên, Văn phòng Luật sư QN thì ông Phương có quyền không đồng ý việc thu hồi diện tích 74 m2 của ông, vì mục đích thu hồi đất trái pháp luật, việc thu hồi đất trên thể hiện sự tùy tiện của cấp có thẩm quyền đối với quyền sử dụng đất ở của công dân (trường hợp này là quyền sử dụng đất của ông Phương). Hai thửa đất trên có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, hạn mức đất theo quy định của tỉnh Quảng Ninh là 120 m2 đối với hộ gia đình có đất có chiều bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ (Quyết định số 476/2001/QĐUB ngày 17/12/2001). Trên diện tích cả hai mảnh đất đều đã xây dựng nhà cửa từ lâu. Vì thế nếu thu hồi mảnh đất thứ hai cũng phải tính là đất ở và được đền bù và tái định cư theo quy định tại Điều 10 và 12, Nghị định 22 ngày 24/4/1998 của Chính phủ.

Năm 2007, UBND TP Hạ Long công bố quy hoạch khu tự xây đường Kênh Liêm trong đó có mảnh đất của nhà ông Phương và ghi rõ mảnh đất ông đang sử dụng là ô tự cải tạo. Chính vì vậy năm 2010, ông Phương làm đơn lên UBND TP Hạ Long đề nghị cấp sổ đỏ cho thửa đất trên vì nó phù hợp với quy hoạch khu dân cư đã phê duyệt. Nhưng thật chéo ngoe, sau 2 năm nộp đơn chờ đợi, ngày 25/1/2013 gia đình ông nhận được Quyết định số 272/QĐ-UBND của chính quyền TP Hạ Long, giao mảnh đất trên cho ông có thu tiền sử dụng đất với đơn giá 60 triệu đồng/m2, tổng số tiền phải nộp cho 58 m2 là hơn 3,4 tỷ đồng.

Trước quyết định vô lý trên, ông Phương đã khởi kiện UBND TP Hạ Long ra Tòa án Nhân dân TP Hạ Long. Yêu cầu hủy Quyết định 272/QĐ-UBND, giao đất thu tiền sử dụng đất nói trên đối với ông. Tòa án TP Hạ Long đã thụ lý và đưa vụ án ra xét xử ngày 28/7/2014 vừa qua. Tại phiên tòa, qua phần tranh tụng và các tài liệu chứng minh nguồn gốc sử dụng đất có trong hồ sơ vụ án, đại diện UBND TP Hạ Long đã không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh cho căn cứ thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường GPMB ngoài ranh giới, chỉ giới GPMB cho dự án cầu Bãi Cháy để bảo vệ cho Quyết định số 272/QĐ- UBND. Nhưng lại khẳng định: “Phần diện tích ngoài chỉ giới GPMB của gia đình ông Phương, tuy có đủ điều kiện được tái định cư tại chỗ theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng do tại thời điểm đó ông Phương không có yêu cầu được tái định cư tại chỗ và đã xin cấp tái định cư tại nơi khác để được bố trí tái định cư tại khu vực kho than I, II nay là đường 25/4. Do đó sau khi GPMB, thửa đất còn lại của gia đình ông Phương đã thuộc quyền quản lý của UBND TP Hạ Long”? Còn theo Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hạ Long, tại công văn số 264 ngày 9/5/2012 thì: “Để đảm bảo việc giao đất cho ông Phương theo đúng quy định pháp luật, Phòng Tài nguyên Môi trường đề nghị UBND TP Hạ Long không xem xét lại phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp nhà ông Nguyễn Văn Phương. Giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP thực hiện chi trả tiền bồi thường còn lại của ông Nguyễn Văn Phương (giá từ năm 2002). Giao cho Phòng Tài chính Kế hoạch TP chủ trì định giá lô đất trên” (theo giá thị trường hiện nay). Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP Hạ Long đã chất vấn vị đại diện cho UBND TP Hạ Long rằng: Tại sao khi lập phương án đền bù GPMB dự án cầu Bãi Cháy, 74 m2 đất của gia đình ông Phương là phần đất nằm ngoài chỉ giới GPMB mà vẫn bị lập phương án thu hồi và đền bù GPMB thì được trả lời: Trước đây phương án đền bù GPBM dự án cầu Bãi Cháy là do người khác lập nên họ không biết và không chịu trách nhiệm!

Tuy nhiên thật bất ngờ, trước khi Tòa án TP Hạ Long xét xử lãnh đạo TP Hạ Long, Tòa đã tuyên bố Quyết định số 2922/QĐ-UBND TP Hạ Long phê duyệt phương án bồi thường GPMB (phê duyệt bồi thường cả diện tích 74 m2 ngoài chỉ giới GPMB dự án cầu Bãi Cháy của ông Phương) mặc nhiên đã được ông Phương chấp nhận, ông Phương chỉ có đơn thắc mắc về đơn giá bồi thường, do đó thửa đất trên đã thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Vì vậy bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Phương.

Trước phán quyết của Tòa án Nhân dân TP Hạ Long, ông Nguyễn Văn Phương cho biết sẽ kháng cáo bác toàn bộ nội dung phán quyết đó, nhưng bản án của tòa và vụ việc trên để lại cho dư luận nỗi nhức nhối về tính vô cảm của một số người được gọi là công bộc của dân, trước quyền lợi chính đáng của một cựu chiến binh, mà lại ra những lý do hết sức vô lý như câu khẳng định của đại diện UBND TP Hạ Long tại tòa: “Phần diện tích ngoài chỉ giới GPMB của gia đình ông Phương tuy có đủ điều kiện được tái định cư tại chỗ theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng do tại thời điểm đó ông Phương không có yêu cầu được tái định cư tại chỗ”… Có một điều đường nhiên, là ông Phương muốn ở lại trên mảnh đất còn lại của mình, nhưng người ta không có ông ở. Nhưng chỉ vì sự quan liêu, tắc trách của chính quyền TP Hạ Long mà mảnh đất nói trên của cựu chiến binh nguyễn Văn Phương bị thu hồi tùy tiện, đến nay vẫn không được chính quyền thành phố khắc phục.

Cứ theo lý lẽ của các cơ quan chức năng TP Hạ Long: Nếu ông Phương muốn có sổ đỏ cho mảnh đất 74 m2 trên thì ông phải nhận tiền đền bù đất với tổng giá trị là 94 triệu đồng do Ban GPMB chi trả để mảnh đất đó hoàn toàn thuộc về chính quyền thành phố và sau đó phải nộp hơn 3,4 tỷ đồng tiền đất theo giá thị trường hiện nay để có tấm sổ đỏ của mảnh đất của chính mình (Còn nếu không, ông vẫn ở trên mảnh đất đó bình thường như hàng chục năm qua).

Trở lại vụ án làm trái quy định về đất đai tại TP Hạ Long gần đây, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giam 6 đối tượng liên quan đến vụ án, gồm Đào Nam Thành, Phó Phòng Tài nguyên Môi trường (người đã từng ký công văn yêu cầu ông Phương nhận tiền đền bù để GPMB mảnh đất không phục vụ Dự án cầu Bãi Cháy); Đặng Quang Hiển, Nguyễn Văn Thanh, Lê Truyền, đều là cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường TP. Hạ Long; Đặng Quang Thép (nguyên Chủ tịch phường), Đỗ Quang Phan (nguyên cán bộ địa chính) phường Bãi Cháy và Phạm Hùng Cường (SN 1956), Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Tài nguyên… Họ đã sẵn sàng làm sai chính sách, pháp luật Nhà nước để mưu lợi cá nhân nhưng lại rất vô cảm trước quyền lợi chính đáng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Phương như sự việc nêu trên.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương cần xem xét lại các quyết định hành chính đã ban hành trái pháp luật nêu trên. Những gì có lợi cho dân thì nên làm. Xin đừng vô cảm trước yêu cầu chính đáng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Phương !

Linh Khang (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.