Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Ðình Dũng:
Chúng ta không dùng người nghèo để "phá băng" thị trường BÐS. Việc hỗ trợ người nghèo có nhà ở dù thị trường BÐS không gặp khó khăn thì vẫn phải thực hiện. Mặt khác, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BÐS là trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước phải làm, vì thị trường BÐS là một thị trường trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Mục tiêu là thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó, có gắn với việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BÐS. Gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay mua nhà là để hỗ trợ người nghèo có điều kiện có nhà ở, vì thế cần phải giám sát chặt chẽ để đến được tay người nghèo.
TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia kinh tế:
Việc NHNN đưa ra gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thị trường trong thời điểm này là rất cần thiết. Song, so với số vốn của DN BÐS thì gói hỗ trợ này rất nhỏ. Dẫu vậy, ý nghĩa mang lại từ đây sẽ khá lớn, bởi nó giúp DN kinh doanh BÐS giải quyết đầu ra của phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo sức lan tỏa cho phân khúc nhà ở thương mại (NƠTM). Mặt khác, nếu được triển khai và vốn NH đến đúng đối tượng thì không chỉ lấy lại niềm tin cho người dân với chính sách của Nhà nước, thị trường BÐS có kỳ vọng ấm dần.
Ông Nghiêm Văn Bang, Chủ tịch HÐTV Tổng công ty HUD:
Trong quá trình triển khai các dự án NƠXH tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy còn tồn đọng một số vướng mắc, rất cần tháo gỡ. Trước hết, việc tiếp cận được vốn vay NH khó khăn; quy định tài sản thế chấp để vay vốn NƠXH, quy định về việc tính tiền sử dụng đất đối với các diện tích công cộng... Ðể tháo gỡ khó khăn tạo động lực cho các DN chủ động thực hiện các dự án NƠXH, Nhà nước cần tạo điều kiện, cụ thể hóa các ưu đãi ban hành cho các chủ đầu tư dự án. Ðặc biệt, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cho từng đối tượng được mua NƠXH nhằm tạo đầu ra cho dự án, bảo đảm cân đối cung cầu.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Tín dụng, NHNN:
Ðây là lần đầu tiên ngành NH đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp (không quá 6%/năm) trong thời hạn dài (10 năm đối với khách hàng thuê, mua nhà ở và 5 năm đối với khách hàng là DN). Tuy nhiên, chương trình tín dụng này không đặt mục tiêu gỡ khó cho thị trường BÐS mà nhằm giúp các đối tượng thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong xã hội có thể sở hữu một chỗ ở phù hợp. Sự phục hồi dần của phân khúc thị trường NƠXH hy vọng sẽ có tác động lan tỏa tới các phân khúc khác của thị trường và tạo niềm tin, góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường BÐS theo hướng phù hợp với nhu cầu và sức mua thực tế của xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BÐS Hà Nội:
Thời điểm hiện nay, Chính phủ, DN và người tiêu dùng cần chung tay góp phần vào việc giải quyết thị trường BÐS theo hướng khắc phục khiếm khuyết đã bộc lộ trong quá trình phát triển nóng và tình trạng "đóng băng" quá lâu thị trường này. Ðây là thời điểm cần có các giải pháp cơ bản để không lặp lại trong tương lai trạng thái thị trường tương tự, cũng như các giải pháp đặc thù để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái đầy mâu thuẫn như của cải xã hội bị lãng phí, hàng triệu người dân sống chật chội, thiếu nhà ở trong khi hàng chục nghìn căn hộ và hàng vạn biệt thự không được sử dụng.