21/07/2019 7:02 PM
CafeLand - Nắm bắt tâm lý khát khao có một căn nhà của những người có thu nhập trung bình và thấp, một số môi giới bất động sản ở TP.HCM dùng nhiều “tiểu xảo” nhằm thu hút khách mua, dẫn đến cảnh rao bán một đằng, nhà thực tế một nẻo.

Khi tìm mua nhà qua mạng người mua có thể sẽ bị hoa mắt trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thông tin rao bán.

Hai tháng nay, anh Trường ráo riết tìm mua nhà để chuẩn bị “dọn ổ” cho vợ sắp sinh vào cuối năm. Thấy tin rao bán nhà từ một trang rao vặt, căn nhà 60m2 tại quận 12 được rao với giá chưa đến 1,5 tỉ đồng, anh Trường đã gọi điện thoại cho môi giới thăm dò thực hư.

Kết quả, con số chưa đến 1,5 tỉ đồng trên tin rao chỉ là một nửa giá môi giới đưa ra để câu khách, giá trị thật của căn nhà lên đến 2,7 tỉ đồng. Sở dĩ môi giới chỉ đưa ra mức giá rất thấp vì số tiền còn lại sẽ tư vấn cho khách mua vay ngân hàng, kèm theo cam kết hỗ trợ vay ngân hàng, thủ tục đơn giản.

Xem giá chấp nhận được, hai hôm sau anh Trường vẫn hẹn đi xem nhà, thế nhưng đến nơi vị khách này lập tức vỡ mộng vì căn nhà khá cũ, đường dẫn vào nhỏ, ô tô không vào được và quan trọng nhất, phía sau nhà là ao tù nước đọng nhếch nhác.

Thấy anh Trường do dự, môi giới lập tức chào mời anh mua một căn khác, vị trí đẹp hơn, nhưng diện tích nhỏ và chung sổ với bốn căn khác. “Giá khá cao lại là nhà chung sổ, không thể thế chấp để vay vốn được nên tôi đành rút lui”, anh Trường chia sẻ.

Ngoài chiêu thức rao bán nhà với giá chào ra chỉ bằng một phần ba, một phần tư giá trị thật của tài sản, nhiều môi giới còn lấy hình ảnh của những căn nhà đẹp đẽ khác để quảng bá cho căn nhà mình đang bán. Dĩ nhiên nhà đẹp, giá mềm sẽ thu hút được nhiều người xem, chỉ có khách mua là “té ngửa” khi xem nhà thực tế khác hoàn toàn so với hình ảnh lung linh như quảng cáo.

Nhiều năm làm môi giới nhà đất tại TP.HCM, chị Thúy Anh cho biết, việc rao bán đất nền, nhà phố hay căn hộ với giá rẻ hay tiện ích lung linh để câu khách không còn là chuyện mới mẻ ở thị trường TP.HCM. Nguyên nhân khiến cách làm này được ưa chuộng là hiện nay ngoài việc tìm hiểu thông tin thực tế tại dự án, khách hàng có xu hướng tiếp cận qua kênh quảng cáo để so sánh giá. Tâm lý khách hàng thăm dò, khảo sát giá nhiều vì sợ bị hớ, sợ mua lầm.

Chị Thúy Anh cũng nói thêm, khi tìm mua nhà qua mạng người mua có thể sẽ bị hoa mắt trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thông tin rao bán. Vì vậy nên có sự so sánh loại trừ những mức giá rẻ không tưởng để tránh mất thời gian và công sức vô ích.

“Người mua có nhu cầu nên tìm môi giới có tâm, việc này có thể quan sát, cảm nhận khi tiếp xúc. Tìm được môi giới trung thực sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức tìm kiếm. Phí môi giới trung bình khoảng 1%/giá trị căn nhà và người bán sẽ chịu phần này”, chị Thúy Anh lưu ý.

Không chỉ quảng cáo mập mờ, thời gian qua tại các quận ven TP.HCM, nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại. Việc này nhằm mua bán những căn nhà chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà. Thế nhưng nhiều môi giới vẫn tự tin rao “bán nhà giấy tay, ra công chứng vi bằng”.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh - Giám đốc Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phú Định, vi bằng do thừa phát lại lập chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật. Đối với các trường hợp nhà đất chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì người bán vẫn bán giấy tay cho người dân và yêu cầu bên thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc mua bán đó với một chiêu thức là khi có thừa phát lại lập vi bằng thì nó có giá trị như một văn bản công chứng.

Cũng có trường hợp những nhà môi giới hoặc đầu nậu thu gom các khoảnh đất đang có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Sau đó thực hiện thủ tục đo vẽ, hợp thửa các khu đất này lại với nhau, rồi phân lô các nền đất trong đó có hạ tầng, đường xá. Cuối cùng đem những bản vẽ trên giấy này gửi cho khách để dụ dỗ người dân mua đất này và nhờ các văn phòng thừa phát lại và lập vi bằng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho biết việc lập vi bằng thừa phát lại là đã tạo ra sự nhầm lẫn giữa lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi với ghi nhận nội dung liên quan đến mua bán đất nền.

Các đầu nậu bán đất nền hình thành trong tương lai trái pháp luật, đã lợi dụng hình thức lập vi bằng thừa phát lại về hành vi giao nhận tiền đặt cọc để hứa mua hứa bán đất nền trái với quy định. Việc này làm cho người mua nhầm tưởng vi bằng thừa phát lại là cơ sở pháp lý để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau này.

“Một dự án phân lô bán nền thì điều kiện đầu tiên là khu đất phải có sổ đỏ là đất ở. Thứ hai phải có giấy phép xây dựng. Thứ ba phải có bảo lãnh của ngân hàng khi bán bất động sản hình thành trong tương lai. Nếu có thế chấp thì phải giải chấp, nếu chưa giải chấp thì ngân hàng nhận thế chấp phải đồng ý cho chủ đầu tư huy động vốn và điều này phải được công bố cho khách hàng biết”, ông Châu nói.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.