Dịp cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhu cầu thanh toán và chi trả tăng cao, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1 – 0,3%/năm, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.
NHNN cho biết, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ.
Giữ ổn định lãi suất huy động
Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng tháng 1/2017 và định hướng năm 2017, NHNN cho biết, trong những ngày đầu tháng 1/2017, có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1 – 0,3%/năm, việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số NHTM cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.
Thị trường ghi nhận, dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch tiền mặt tăng cao, nhưng với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT của NHNN, đặc biệt nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD nên thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 – 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 – 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 – 7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 – 7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 – 5%/năm.
Tại báo cáo này, NHNN khẳng định: “Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Chỉ đạo các TCTD cân đối vốn, giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động”.
Mùa cao điểm, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định
NHNN cũng cho biết, phấn đấu tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đặc biệt, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra (GDP tăng khoảng 6,7%).
Tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu
Cơ quan điều hành cho biết, trong tháng đầu năm 2017, hoạt động của các TCTD có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá trên nhiều mặt về quy mô vốn huy động, tài sản, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế tăng.
Mức độ an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD được duy trì bền vững, đặc biệt năng lực tài chính của TCTD tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 3%, trong đó, các NHTM Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trong hệ thống các TCTD.
Hiện nay, NHNN đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.
Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, trong năm 2017, NHNN sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.
NHNN cho biết, mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2017 sẽ được triển khai một cách đồng bộ với nhiều giải pháp. Theo đó, NHNN tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững và tiếp tục nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD.
Việc cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của TCTD tiếp tục được đẩy mạnh theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng TCTD nhưng phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Đối với công tác xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong năm 2017, vai trò của VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ). NHNN cũng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD…
Huyền Anh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.