Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện từ ngày 27/4 cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng hẳn, khiến cho mọi hoạt động duy trì và phát triển kinh tế của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành kinh doanh bất động sản.

Nguồn cung bất động sản nhiều năm qua đã sụt giảm mạnh, nay ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm có dấu hiệu chững lại, thị trường ảm đạm hơn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Buồn vì thiếu sản phẩm

Thực ra, câu chuyện thiếu hụt sản phẩm trong ngành kinh doanh địa ốc không phải tới nay mới thấy, mà đã xuất hiện từ những quý đầu tiên của năm 2018.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, từ thiếu hụt diện tích đất thương phẩm, giá đất tăng cao đến rào cản pháp lý do các thủ tục hành chínhNhìn chung, những vướng mắc ở khâu pháp lý dự án cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung sản phẩm trên thị trường.

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý 3-2021, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây, giảm 18% theo quý và giảm 70% theo năm. Trong khi nguồn cung mới bị hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp, thị trường ghi nhận có 11 dự án đã tạm ngưng bán hàng.

Tại TP.HCM, suốt cả quý 3-2021 chỉ có một dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, với tổng số 352 căn, giảm 85,7% so với quý 1 và giảm 87,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung ít, thị trường không còn nhộn nhịp. Phần lớn lực lượng môi giới bỏ việc về quê tránh dịch khiến cho thị trường địa ốc trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

Ở phân khúc nghỉ dưỡng, mặc dù nguồn cung dồi dào hơn so với các năm trước, nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn còn hạn chế do tâm lý e ngại của nhà đầu tư trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Sự mất cân đối trong cán cân cung – cầu của thị trường bất động sản có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn cho những năm tiếp theo.

Song song với nguồn cung khan hiếm, giá bán bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở tất cả các phân khúc. Một trong những nguyên nhân tăng giá sản phẩm là do các chủ đầu tư tự nâng giá bán lần sau cao hơn các đợt mở bán trước nhằm đảm bảo lợi nhuận.

Giá bán tăng cao không tiệm cận với giá trị thật của sản phẩm khiến cho các nhà đầu tư dần trở nên thận trọng hơn, e ngại hơn khi quyết định chọn mua sản phẩm… Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân làm giảm các giao dịch thành công trên thị trường?

Ảnh: Internet

Về quê tránh dịch

Trong suốt quý 2 và quý 3-2021, đại dịch Covid diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh chóng mặt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế cả nước và đời sống người dân.

Trong giai đoạn này, những sàn giao dịch bất động sản thuộc một số doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Hưng Thịnh, Hải Phát Land, Cen Group… mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Số còn lại phải lần lượt đóng cửa và tạm dừng hoạt động.

Mặc dầu các sàn giao dịch địa ốc lớn vẫn duy trì hoạt động và đảm bảo ổn định nguồn lực trong mùa dịch, nhưng hầu hết các nhân viên môi giới vẫn chật vật mưu sinh do tỷ lệ các giao dịch thành công giảm sút nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước và trước thời điểm dịch Covid kéo đến.

Mức lương cơ bản của nhân viên môi giới bất động sản thường chỉ từ 4-6 triệu đồng/tháng, tùy theo kinh nghiệm làm việc. Thu nhập của môi giới chủ yếu đến từ nguồn phần trăm hoa hồng được trích lại sau khi bán sản phẩm.

Bởi vậy, nếu không có giao dịch thành công, thì dù được hưởng lương cơ bản hàng tháng cũng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm mà bản thân các môi giới phải tự bỏ ra để quảng bá theo các kênh riêng.

Trong suốt quý 3-2021, hàng loạt các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan được chính quyền TP.HCM ban hành. Đáng chú ý nhất là việc áp dụng biện pháp cách ly toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ từ ngày 09/7. Kể từ đó, đa phần nhân viên môi giới địa ốc làm việc trực tuyến, không đến cơ quan như trước.

Phương pháp bán hàng trực tuyến được áp dụng như một giải pháp hữu hiệu trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng khách hàng Việt vẫn còn e ngại khi chọn mua sản phẩm theo phương pháp trực tuyến, do đó tỷ lệ thành công của các giao dịch chưa cao như mong muốn, dẫn đến đời sống nhân viên môi giới địa ốc gặp khó khăn.

Không có giao dịch thành công, nhiều nhân viên môi giới địa ốc phải chật vật trong việc cân đối tài chính duy trì cuộc sống, cộng thêm mấy tháng liền phải thực hiện biện pháp cách ly xã hội mà không thể làm thêm các công việc khác khiến cho cuộc sống của họ càng thêm khó khăn.

Ngày TPHCM chuyển sang trạng thái "bình thường mới" cũng là lúc hàng vạn người dân tỉnh lẻ lũ lượt kéo nhau về quê tránh dịch, trong đó có không ít nhân viên môi giới địa ốc. Có lẽ đây là cái Tết buồn nhất đối với lực lượng môi giới địa ốc.

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master Group

Nguyễn Phạm Hữu Hậu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.