Dây chuyền 3 của Xi măng Xuân Thành được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030 từ cuối năm 2016.
Với quy mô công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm, dự án đầu tư dây chuyền 3, nhà máy Xi măng Xuân Thành tại tỉnh Hà Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện những hạng mục đầu tư cuối cùng trước khi chính thức đốt lò, sản xuất ra thành phẩm.
Dây chuyền 3 của Xi măng Xuân Thành sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2022
Dây chuyền 3 của Xi măng Xuân thành được đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới của hãng FLSmidth (Đan Mạch) đảm bảo tính tự động hóa cao, cho chất lượng sản phẩm ổn định nhất, dự kiến sẽ đi vào vận hành trong tháng 10/2022.
Được biết, khi dây chuyền 3 đi vào vận hành đủ 100% công suất, tổng công suất sản xuất xi măng của nhà máy Xi măng Xuân Thành sẽ lên trên 10 triệu tấn/năm.
Dự án này thuộc Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành, với 2 dây chuyền sản xuất đã đưa vào hoạt động. Trong đó, dây chuyền 1 có công suất 1 triệu tấn xi măng/năm; dây chuyền 2 có công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm.
Hiện nay, 2 nhà máy của Xuân Thành đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm xi măng PCB30, PCB40 với 2 thương hiệu Xi măng Xuân Thành và Xi măng Kaito; xi măng rời, các loại xi măng xuất khẩu, clinker và xi măng bền sunfat phục vụ cho các công trình biển đảo.
Bên cạnh thị trường trong nước, các sản phẩm Xi măng Xuân Thành hiện đang được xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, Trung cận Đông và sắp tới là thị trường khó tính như Mỹ.
Theo dự kiến, toàn ngành sẽ có thêm 2 dây chuyền mới đi vào hoạt động, gồm dự án Xi măng Long Thành (công suất 6.000 tấn clinker/ngày),tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Dự án Xi măng Đại Dương 1, công suất hơn 2 triệu tấn xi măng/năm.
Theo đó, với việc dây chuyền 3 của Xi măng Xuân Thành đi vào hoạt động, toàn ngành xi măng hiện đang có 90 dây chuyền với tổng công suất 110 triệu tấn/năm.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, nguồn cung xi măng trong năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức khoảng 108 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa ước tính chỉ đạt 65 triệu tấn. Do đó, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng của các doanh nghiệp xi măng.
-
Ngành xi măng và cuộc chiến giải phóng hàng tồn kho
Chi phí đầu vào tăng cao cùng sức mua trên thị trường suy yếu khiến tồn kho xi măng “phình to”, nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ dừng chạy lò.