07/07/2011 3:35 AM
Với thành quả đạt được trong 20 năm đầu tư ở Việt Nam (VN), TS. Alan Phan bộc bạch, chưa bao giờ dám mở miệng "dạy" ai điều gì về nghệ thuật kiếm tiền và cảm thấy xấu hổ khi so sánh với Bầu Đức, cũng bắt đầu vào năm 1991 với chiếc xe ôm, bây giờ đã thành tỷ phú dollars.

Tuần Việt Nam: Tư duy về kinh tế tài chính của ông đã thể hiện qua các bài viết trên gocnhinalan và nhiều tờ báo có uy tín. Hôm nay, xin được hỏi ông nhiều hơn về đời tư và suy nghĩ cá nhân được không ạ?


Alan Phan: Rất sẵn sàng, tuy nhiên phải cảnh báo trước cho anh là những gì hào hứng nhất thì tôi sẽ giấu để còn viết hồi ký sau này (cười).


Tài sản của ông hiện nay là bao nhiêu?


Tôi đồng ý với tập quán là không nên hỏi tuổi người đàn bà và không nên hỏi tiền người đàn ông. Không bao giờ nói ra được. Nhưng có lần một người bạn thân nhận xét, " mày là thằng kiếm tiền nhiều nhất cũng là thằng mất nhiều tiền nhất trong cộng đồng Việt ở đây (Mỹ)". Tôi dốt toán nên chưa bao giờ ngồi cộng trừ để hiểu rõ câu nói đó.


Những đầu tư lớn nhất của ông hiện nay nằm trong lĩnh vực nào?


Quỹ Viasa của gia đình tôi và một số gia đình khác chia đều 50% vào các tài sản ngắn hạn, nhiều thanh khoản như tiền mặt, chứng khoán, trái phiếu, hợp đồng nguyên liệu (commodity contracts). Còn 50% thì đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ (SME) đang hoạt động tốt, với tư cách cổ đông chiến lược, để giúp họ phát triển và tăng giá trị, nhất là trong lãnh vực tài chánh và thị trường quốc tế. Thời gian đầu tư khoảng 2 đến 5 năm.


Tất cả đều ở Trung Quốc?


Không, các đầu tư ngắn hạn thường nằm ở thị trường Âu Mỹ. Còn các đầu tư dài hạn hơn thì thường nhắm vào các công ty Trung Quốc; nhưng chúng tôi đang rút lui khỏi thị trường này.


Tại sao?


Cách đây 15 năm, khi chúng tôi bắt đầu vào Trung Quốc thì họ rất cần vốn, công nghệ và quản lý quốc tế. Do đó, họ trải thảm đỏ mời chào rất nồng nhiệt các nhà đâu tư như chúng tôi. Nay họ đã có những thứ đó, nên họ có chánh sách "vắt" (squeeze) các nhà đầu tư nước ngoài ra để dành các lợi lộc và thị trường cho doanh nhân trong nước. Chánh phủ tạo nên nhiều rào cản mới, gây khó khăn trong việc điều hành qua chính sách thuế má, lương bổng, giấy phép ...


Một cách nhìn khác về con người Alan Phan
TS. Alan Phan. Ảnh: Linh Nguyên

Ông rút tiền khỏi Trung Quốc thì ông sẽ đem chúng đầu tư vào đâu?


Quá trình thoái hết vốn khỏi Trung Quốc cũng mất khoảng 2 năm nữa. Hiện chúng tôi đang đánh giá những cơ hội mới ở các nước khác, kể cả Âu Mỹ, để quyết định. Cũng có thể là chúng tôi đã già và không còn bén nhạy với trò chơi này nữa. Trong trường hợp đó, có lẽ tôi sẽ đem tiền cho con cái, gia đình, bạn bè, các tổ chức từ thiện và phần còn lại, giữ vừa đủ để sống đời hưu trí giản dị.


Ông chia gia tài như vậy có quá sớm không?


Tôi có quan niệm là không nên đợi đến chết mới chia gia tài. Bà con đánh đấm tranh giành, nằm dưới mồ cũng không yên. Chia khi mình còn sống và trí óc còn minh mẫn thì tốt hơn. Một cuốn sách nào đó khuyên là khi anh chết, anh nên chết không còn một đồng xu nào trong túi. Chỉ để lại một chi phiếu để bà con làm đám tang. Mà nếu chi phiếu đó không tiền bảo chứng thì cũng chẳng sao.


Nghe nói ông cũng đã đầu tư vào VN rồi?


Tôi có đầu tư hơn 1 triệu US dollars vào Vinabull, một công ty viết phần mềm và tạo dữ liệu cho những nhà đầu tư chứng khoán VN. Sau 4 năm, công ty vẫn lỗ nặng. Cùng với các đầu tư nhỏ lẻ cho bạn bè bà con từ 1991 (lần đầu khi tôi về nước), tôi đã đầu tư vào VN hơn 2 triệu US dollars. Và 2 năm qua, số tiền tôi thu lại được là 12 triệu ...(VN đồng, bút phí trả cho các bài viết) (cười)


Do đó, VN là một kinh nghiệm xấu về đầu tư?


Thực ra, số tiền nói trên quá nhỏ để rút ra một kết luận gì. Trong thời gian đầu tư, tôi không có thì giờ để quản lý, vì bận rộn với những đầu tư quan trọng hơn ở Trung Quốc và Âu Mỹ, nên dù thất bại, tôi cũng không nghĩ đó là một kinh nghiệm xấu. Tôi vẫn còn đang nghiên cứu và phân tích về cơ hội đầu tư ở đây.


Người ta thường nói, nếu làm không được thì đi dạy vậy?


(Cười lớn) Với thành quả đạt được trong 20 năm đầu tư ở VN, tôi chưa bao giờ dám mở miệng "dạy" ai điều gì về nghệ thuật kiếm tiền, nhất là ở xứ này. Thực tình, tôi khá xấu hổ khi so sánh với ông Bầu Đức, cũng bắt đầu vào năm 1991 với chiếc xe ôm, bây giờ đã thành tỷ phú dollars. Cũng như ông Vượng của Vincom, từ một sinh viên mới ra trường khoảng thời gian đó, hay ông Tuyển Tuần Châu, một công nhân của Sở Công Viên thành phố, bây giờ đều là tỷ phú cả. Đây là những thiên tài về kiếm tiền, tôi cũng muốn đi học họ mà không ai chịu dạy.


Các doanh nhân thành đạt thích làm chính trị vào thời điểm lên cao. Ông nghĩ thế nào?


Tôi sẽ là một chính trị gia tồi tệ nhất vào bất cứ thời điểm nào. Một kỹ năng quan trọng của nghề này là phải biết "nói dối", mà tôi thì chưa học được. Vả lại, tôi không tin vào bất cứ một giải pháp chính trị nào cho vấn đề kinh tế. Sự can thiệp của các chính trị gia chỉ làm mọi vận hành kinh tế trì trệ và méo mó hơn, thay vì để nó tự do.


Ông có thể giải thích thêm?


Tôi tin rằng không một doanh nghiệp nhà nước nào trên thế giới đạt được thành quả tốt về ROI (return on investment) bằng một doanh nghiệp tư nhân cũng tầm cỡ và cùng nghề. Lý do đơn giản là "cha chung không ai khóc". Tiền của người khác (other people's money) là tiền từ các thằng ngu, mình cứ xài thoải mái. Các chương trình, chính sách có thể bắt đầu bằng một lý tưởng hay một ý định tốt, nhưng tất cả cuối cùng rồi cũng sẽ bị lạm dụng bởi những tên cơ hội, tham lam... để rút tỉa tiền bạc hay quyền lực.


Ở Mỹ ông có đi bầu cử không?Và ông thuộc đảng nào? Dân Chủ hay Cộng Hòa?


Tôi hiểu rõ những thủ thuật bùa phép của chính trị rất sớm, nên từ hồi sinh viên đến giờ, tôi chưa hề gia nhập một đảng phái hay phe nhóm chính trị nào. Tôi luôn luôn đi bầu với tư cách độc lập, không đảng phái. Tôi thường đánh giá lựa chọn của mình trên căn bản là ứng cử viên nào sẽ đem lại những yếu tố khả quan hơn cho nền kinh tế quốc gia, vì chắc chắn là dân có giàu thì nước mới mạnh. Những ngôn từ hoa mỹ khác chỉ là BS (vớ vẩn). Như Đặng Tiểu Bình ví von, "Mèo trắng hay mèo đen gì cũng được, miễn là nó bắt được chuột".


Ông có hoạt động nhiều trong công tác từ thiện và nhân đạo?


Tôi luôn luôn giữ kín mọi hoạt động của mình trên lĩnh vực này; vì nói ra sẽ làm mất đi ý nghĩa của hành động. Nhưng tôi vẫn thường nói với các hậu sinh, "Chúng ta làm việc để sinh tồn, và chúng ta trao tặng để tạo dựng đời mình (We work to make a living, and we give to make a life)".


Những lời khuyên cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh?


Với những bạn kém may mắn đang tranh đấu vất vả để tìm sự nghiệp hay cơ hội kinh doanh, hãy tin vào con người thực và định mệnh của mình. Phải kiên trì, biết đứng dậy và tiếp tục đi tới khi vấp ngã. Không ai có thể từ chối mãi một con người có ý chí. Với những bạn nhiều may mắn, có đầy đủ vật chất và phương tiện, hay cố gắng hơn nữa với trí tuệ sáng tạo và tinh thần thanh cao. Nghĩ đến những người kém may mắn, tập cách chia sẻ; và hành xử mọi chuyện với chuẩn mực đạo đức và văn minh. Những kẻ xấu có thể đang thắng, nhưng cuối cùng, thế giới sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa.


Một câu nói để ghi trên bàn làm việc hay giường ngủ?


Xin Ơn Trên phù hộ chúng ta.


Cảm ơn ông

Theo Trần Song Nguyên (Tuần Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.