Mỗi tấn thép giảm một triệu đồng
Trong một tháng, nhiều đơn vị điều chỉnh giá thép 2-3 lần liên tiếp, hiện mỗi tấn giảm khoảng một triệu đồng, về quanh mốc 15 triệu đồng.
Đơn cử, thương hiệu thép Hòa Phát vừa hạ giá thép cuộn CB240 về 15 triệu đồng một tấn, giảm 200.000 đồng so với hồi giữa tháng. Thép thanh vằn CB300 D10 cũng được điều chỉnh 130.000 đồng về 15,45 triệu đồng một tấn. Đây là lần thứ ba trong tháng này, Hòa Phát giảm giá thép, lũy kế đến nay đã hạ gần một triệu đồng mỗi tấn.
Tương tự, các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Nhật, Pomina... cũng liên tục điều chỉnh giá bán mặt hàng thép xây dựng.
Cụ thể, Thép Việt Ý điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 xuống còn 15 triệu đồng/tấn và thép cây giảm 150.000 đồng/tấn xuống còn 15,25 triệu đồng/tấn. Với thương hiệu Việt Đức, hai loại trên lần lượt giảm 200.000 đồng/tấn và 250.000 đồng/tấn xuống còn 14,95 triệu đồng/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, Thép Miền Nam cũng điều chỉnh giảm 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và 610.000 đồng/tấn đối với thép cây. Sau điều chỉnh, thép cuộn CB240 còn 15,22 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 còn 15,43 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh lần này, thương hiệu Thép Pomina tại miền Trung giảm tới 1,12 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, xuống còn 15,81 triệu đồng/tấn và giảm 1,02 triệu đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá còn 15,86 triệu đồng/tấn.
Như vậy, sau giai đoạn tăng 6 lần liên tiếp, mặt bằng giá thép nay trở lại mức đầu năm 2023. Với tần suất 1 tuần giảm giá 1 lần trong suốt thời gian vừa qua, giá bán thép xây dựng hiện nay đang dao động trong khoảng 14,5-15,5 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lý giải việc giá thép giảm chủ yếu là do giá nguyên liệu sản xuất đang đi xuống giúp các doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán phù hợp với chi phí đầu vào. Ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thép thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm tiếp.
Ngành xây dựng có “dễ thở”?
Theo tính toán của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chi phí vật liệu xây dựng thường chiếm 60-70% (sắt thép, cát, xi măng, đá…). Trong đó, thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề.
Giá thép giảm giúp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công cũng như giúp kìm hãm đà tăng của giá nhà
Với việc giá thép quay đầu giảm mạnh thời gian gần đây, nhìn nhận chung về hoạt động của các nhà thầu xây dựng sẽ dễ thở hơn. Ngoài ra, giá thép giảm cũng phần nào sẽ thúc đẩy các công trình triển khai sớm và nhanh hơn.
Trong khi đó, các công ty chứng khoán cho rằng diễn biến giá thép hạ nhiệt sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi đáng kể trong giai đoạn này. Theo đó, giá sắt thép giảm giúp giảm áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xây dựng và phát triển bất động sản, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công cũng như giúp kìm hãm đà tăng của giá nhà.
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy thép trong những tháng đầu năm 2023 tương đối thận trọng trong bối cảnh giá thành phẩm trên thế giới giảm. Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng trong nước cũng đã giảm mạnh từ 20-30% từ đầu năm. Ngoài ra, nhiều nhà thầu cũng đang có tâm lý chờ đợi giá thép tiếp tục giảm.
Theo số liệu của VSA, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 3 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,25% so với tháng trước nhưng giảm gần 28% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng trước nhưng giảm 29% so với cùng kỳ.
Lũy kế quý 1.2023, cả nước đã sản xuất được 6,7 triệu tấn thép các loại, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn các dự án đầu tư công được đẩy mạnh, lượng việc của ngành xây dựng vì thế cũng tăng trở lại và giúp cho nhiều doanh nghiệp thép xử lý được hàng tồn kho và cân đối cung cầu.
Trong khi đó, VSA cho rằng thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ của ngành. Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kích thích thị trường bất động sản hồi phục, nhưng trong ngắn hạn, sẽ chưa thể nhìn thấy sự hồi phục này.
Do vậy, sản lượng tiêu thụ của ngành thép dự báo vẫn duy trì mức thấp trong quý 2.2023. Có chăng, tăng trưởng sẽ nằm ở phân khúc xây dựng nhà ở, những công trình nhỏ.
-
“Bão giá” nguyên vật liệu suy yếu, giá thép nội địa được dự báo tiếp tục giảm
Với diễn biến giảm của nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới, giá thép được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới.
-
Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu thép năm 2023 vẫn bị “ghìm chân” bởi hai yếu tố này
Worldsteel cho rằng lạm phát và lãi suất tăng cao ở hầu hết các nền kinh tế sẽ hạn chế sự phục hồi của nhu cầu thép trong năm 2023, bất chấp quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới tái mở cửa trở lại.
-
“Bí kíp” luyện thép NHANH - NHIỀU - RẺ khiến thế giới ngỡ ngàng mà Trung Quốc vừa tìm ra có gì đặc biệt?
Chỉ mất hơn 10 năm, Trung Quốc đã tạo ra công nghệ sản xuất thép không chỉ nhanh hơn mà còn rẻ hơn so với cách làm truyền thống.
-
“Pháp sư” Trung Hoa lại khiến cả thế giới sửng sốt: Chỉ mất 6 giây để hoàn thành quy trình sản xuất thép, nhanh gấp 3.600 lần so với lò cao truyền thống
Công nghệ sản xuất thép này có thể hoàn thành quy trình sản xuất trong vòng chỉ 3-6 giây, nhanh hơn nhiều so với thời gian 6 giờ của các lò cao truyền thống. Đây hứa hẹn sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp thép toàn cầu....
-
Diễn biến đáng chú ý trên thị trường THÉP CHẤT LƯỢNG CAO, loại vật liệu nhiều ngành công nghiệp đều cần
Thép cuộn cán nóng chất lượng cao (HRC) đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Nếu tự chủ được, các ngành như đóng tàu, cơ khí chính xác, sản xuất ô tô, container... sẽ bớt phụ thuộc chuỗi cung ứng HRC ngoại....