26/04/2014 7:40 AM
Thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong số 90 sân golf nằm trong quy hoạch được duyệt, thì 29 sân golf đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng tăng dịch vụ, thu hút khách du lịch, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, quy định về sử dụng đất để xây dựng sân golf đã được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Theo đó, các dự án tuyệt đối không sử dụng đất lúa 2 vụ để làm sân golf. Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ sử dụng đất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích một sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án không sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng).

Đây là thái độ tuân thủ nghiêm túc của các chủ đầu tư về quy định sử dụng đất khi xây dựng sân golf được quy định tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sân golf đến năm 2020. Cùng với Luật Đất đai 2013 mới được thông qua, Quyết định 1946/QĐ-TTg tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ đất sản xuất.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sân golf được đề nghị bổ sung vào Quy hoạch mới đây tại Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Hải Phòng, Khánh Hoà, Long An, Quảng Ninh... đều đã tuân thủ các quy định của Luật Đất đai 2013 và quy định của Chính phủ về quy hoạch phát triển sân golf. Cụ thể, các dự án được các địa phương quy hoạch ở các vùng đất cát, đất đồi núi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp và nhất là không sử dụng đất lúa, kể cả đất lúa một vụ, đất màu, đất lâm nghiệp có rừng nhưng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch.

Trước quan điểm cho rằng, Việt Nam có nguy cơ “lạm phát” sân golf, ông Jeff Puchalski, Giám đốc Điều hành Fore Golf Asia (Công ty tư vấn quản lý sân golf) đã cho rằng, quan hệ cung – cầu sẽ điều chỉnh sự phát triển hệ thống sân golf, nếu không có đủ người chơi để lấp đầy các sân golf mới, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không tiếp tục phát triển sân golf nữa.

“Vì thế, tôi không cho rằng, số lượng sân golf ở Việt Nam là nhiều hay ít. Tôi chỉ hy vọng, sẽ có đủ người chơi golf tại Việt Nam và cũng sẽ có một số lượng lớn người nước ngoài vào Việt Nam chơi golf kết hợp với du lịch”, ông Jeff Puchalski nói.

Dù cho đến nay, vấn đề cần xây dựng bao nhiêu sân golf vẫn đang tiếp tục được tranh luận, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả xã hội mang lại từ các dự án sân golf đang hoạt động hiện nay.

Theo ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh sân golf Long Thành (Đồng Nai), những năm qua, bộ môn golf đã có những đóng góp tích cực vào nhiều mặt trong đời sống xã hội.

Theo ông Kiểm, năm 2001, trước khi xây dựng, khu vực sân golf Long Thành là vùng đồi sỏi đỏ khô cằn và đất hoang hoá, sình lầy, ngập nước. Người nông dân ở đây chỉ sản xuất nông nghiệp một vụ bấp bênh mỗi năm, vì thế, thu nhập của người dân rất thấp và không ổn định. Đến nay, vùng đất này đã thay da đổi thịt với cây cỏ xanh tươi, không khí trong lành và đang dần hình thành ở đây một khu đô thị hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của xã hội.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.