Ảnh minh hoạ.
Mirae Asset cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; điều này tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.
Với sự ổn định vĩ mô tốt hơn, Mirae Asset kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,2%−6,7% so với năm trước vào năm 2023 và trung bình 7,3% trong giai đoạn 2023-2025, với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp cho sự chững lại trong tăng trưởng tiêu dùng, cũng như sự chậm lại của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.
Tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam vẫn được dự kiến sẽ ở mức tương đối cao
Về lạm phát, Mirae Asset dự báo lạm phát năm 2023 sẽ dưới mức 4,5-5%, tương ứng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 13-15%.
Năm 2022, xung đột Ukraine – Nga và các biện pháp “Zero-Covid” nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây ra lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation). Bước sang năm 2023, Mirae Asset dự báo tác động của yếu tố chi phí đẩy sẽ giảm dần và thay thế bằng yếu tố nội tại (built-in factors) (áp lực giữa lương và giá).
Theo Mirae Asset, CPI tăng khá nhanh bắt đầu từ tháng 9/2022, trong đó CPI của nhóm lương thực và thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, và giáo dục có mức tăng cao nhất. Trong bối cảnh này, Mirae Asset cho rằng quá trình giảm phát có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn vì sẽ có độ trễ giữa tốc độ tăng lương chậm lại và tốc độ lạm phát chậm lại ở các lĩnh vực dịch vụ vốn sử dụng nhiều nhân lực.
Ngoài ra, với khả năng cao giá điện sẽ tăng vào năm 2023 (giá điện Việt Nam bình quân giữ ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) kể từ tháng 3/2019), Mirae Asset kỳ vọng yếu tố nội tại sẽ đóng vai trò quyết định trong việc gia tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam trong năm 2023.
-
Thị trường căn hộ kỳ vọng khởi sắc vào giữa năm 2023
Colliers Việt Nam dự báo, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, thị trường hy vọng sẽ có những khởi sắc và hồi phục từ giữa năm 2023, khi niềm tin của người mua và các nhà đầu tư được củng cố.