Dự án tuyến metro số 1 đoạn đi trên cao thuộc gói thầu số 2.
Điệp khúc tạm ứng vốn
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (BQL ĐSĐT) vừa có công văn khẩn gửi UBND TPHCM đề nghị chấp thuận chủ trương tạm ứng khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2018 để thanh toán cho các nhà thầu đang thi công tuyến metro số 1. Điều đáng nói, sau hơn 1 năm kể từ lần ứng vốn đầu tiên, đến nay dự án này đã phải xin ứng vốn lần thứ 4 để trả cho các nhà thầu thi công.
Theo báo cáo của BQL ĐSĐT, việc xin tạm ứng vốn là do Bộ Kế hoạch - Đầu tư cuối năm 2017 đã ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và dự án tuyến metro số 1 vẫn không được bố trí vốn.
Do không được bố trí vốn cũng như bố trí vốn không đủ, cuối năm 2016 UBND TPHCM phải tạm ứng 600 tỷ đồng cho chủ đầu tư trả nợ nhà thầu để thanh toán lương, thưởng cho đội ngũ kỹ sư và công nhân. Lần lượt trong năm 2017, TPHCM phải tạm ứng tiếp từ ngân sách 500 tỷ đồng và gần 1.200 tỷ đồng để trả nợ cho các nhà thầu. Và cuối năm 2017, UBND TPHCM đã đề nghị hoàn trả lại tiền tạm ứng cho ngân sách nhưng chưa được xem xét.
Việc không bố trí vốn cho dự án tuyến metro số 1 theo lý giải của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là do Quốc hội chưa có ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định và chưa xác định giá trị vay lại nguồn vốn ODA khiến Bộ chưa có cơ sở xác định phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư.
Dự án tuyến metro số 1 được phê duyệt vào năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật). Trong nhiều báo cáo gửi các bộ ngành liên quan mà gần nhất là vào đầu năm 2018, TPHCM đã có văn bản giải thích lý do tuyến metro “đội” vốn gần ba lần so với phê duyệt ban đầu, lên mức 47.325 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật).
Theo đó, nguyên nhân tăng vốn là do dự án tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư (đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga…); vật liệu tăng giá; tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009; trượt giá giữa tiền đồng Việt Nam và Yên Nhật; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới…
Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia thuộc BQL ĐSĐT cho rằng thực tế dự án tuyến metro số 1 không đội vốn. Để tranh thủ được nguồn vốn vay ODA từ JICA (cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản), TPHCM phải thuê tư vấn trong nước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tổng mức đầu tư ban đầu là dựa theo thiết kế này.
Do chưa có kinh nghiệm về metro và theo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu trên cơ sở tiết kiệm nên khi trình ra thì không đạt yêu cầu của JICA. Vì lẽ đó, UBND TPHCM đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để làm. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có Cty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này.
“Hiểu nôm na, tư vấn trong nước đề xuất làm nhà tranh, thời gian sử dụng trong 10 năm nhưng JICA muốn mình xây nhà tường, thời gian sử dụng dài hơn, tiện nghi, hiện đại hơn. Phần vốn tăng thêm thực tế là chênh lệch về chi phí đầu tư giữa làm nhà tranh và xây nhà tường”, chuyên gia này ví von.
Cầu cứu tứ phương
Vị chuyên gia này cho rằng về lý, TPHCM đã làm hết trách nhiệm. Dự án sau khi điều chỉnh đã lấy ý kiến các bộ ngành chức năng và Thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011 với tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tại thời điểm này dự án thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư song Thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí “công trình trọng điểm quốc gia”, hàng năm chỉ cần báo cáo tiến độ với Quốc hội.
“Được các Bộ Ngành chấp thuận nên Chính phủ mới ký kết 3 hiệp định vay với tổng vốn hơn 155 tỷ Yên Nhật (tương đương 31.208 tỷ đồng) và đã giải ngân được gần 12.000 tỷ đồng, đạt 38%. Dự án đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng nhưng không phát sinh thêm vốn. Việc ngưng giải ngân, trong khi công trình vẫn buộc phải thi công đúng tiến độ là đẩy hết khó khăn cho TPHCM và chủ đầu tư luôn thiếu tiền, chậm thanh toán cho các nhà thầu”, chuyên gia này cho hay.
Ngoài hàng tá văn bản gửi các bộ ngành chức năng, mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản cầu cứu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một loạt hệ lụy phải đối mặt nếu các vướng mắc của tuyến metro số 1 không sớm được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là điều kiện tiên quyết để bố trí kế hoạch vốn trung hạn và các năm tiếp theo, giúp dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 như dự kiến.
Dự án bị chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nguyên nhân là sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ của nước này với các dự án ODA của Việt Nam trong tương lai.
“Việc chậm thanh toán cho các nhà thầu, có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công. Điều này có nguy cơ dẫn đến kiện tụng, tranh chấp và lãng phí vốn ODA do vẫn phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay.
Ông Phong kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại kỳ họp sớm nhất. Trong khi chờ Quốc hội thông qua, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch, Đầu tư ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm nay.
Khởi công từ tháng 8/2012, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương), trong đó có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Tuyến metro số 2 cũng gặp rắc rối Trong văn bản cầu cứu Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, dài khoảng 11 km) được đơn vị tư vấn trong nước thực hiện vào năm 2010, tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng và đã được UBND TPHCM phê duyệt. Hai năm sau thành phố phải chọn một Cty liên danh của Đức làm Tư vấn quốc tế, phát hiện nhiều nội dung thiếu sót, chưa phù hợp nên phải điều chỉnh thiết kế cơ sở với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong hai năm 2015 và 2016, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có các văn bản đồng ý cho UBND TPHCM thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án tuyến metro này. Đến tháng 2/2017, UBND thành phố lấy ý kiến các bộ ngành về hồ sơ điều chỉnh dự án. Hiện nay có hai quan điểm khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GTVT và Ngân hàng nhà nước cho rằng metro số 2 là dự án chuyển tiếp nhóm A - thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh thuộc UBND thành phố. Tuy nhiên phải báo cáo Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện. Trong khi đó Bộ Xây dựng và Tài chính cho rằng metro số 2 không phải dự án chuyển tiếp, UBND thành phố cần báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. |