Nhiều người đang phải chịu đựng hàng chục tin nhắn tiếp thị nhà đất đến điện thoại của mình mỗi ngày - Ảnh: Mạnh Tùng
Tin nhắn tiếp thị nhà đất, phổ biến là tin nhắn SMS qua điện thoại di động và gần đây là các tin nhắn qua ứng dụng di động như Viber, Zalo, Messenger (Facebook)…
Mỗi ngày hàng chục tin nhắn
Chị Nhung, nhân viên của một chi nhánh công ty nước ngoài tại Quận 1, TPHCM kể rằng, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày chị đều nhận được 4-5 tin nhắn SMS quảng cáo đất nền, căn hộ ở khắp nơi, từ TPHCM đến Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Vì đã có nhà ở, không có ý định mua nhà đất nên mỗi khi nhận được tin nhắn này, chị rất mệt mỏi. “Nhiều khi tôi chờ tin nhắn công việc từ sếp khi đang làm gấp các bản báo cáo thì tin nhắn đến, lúc mở điện thoại thì hóa ra tin quảng cáo đất nền, căn hộ, rất bực mình”, chị nói.
Chị Nhung kể, có khoảng thời gian cao điểm trong tháng 9, tháng 10 vừa qua, có ngày chị nhận được hàng chục tin nhắn “dội bom” liên tục. Chưa kể, từ khi chị cài đặt các ứng dụng tin nhắn miễn phí như Viber, Zalo… thì lượng tin rác đến còn nhiều hơn.
Ông Minh, chủ một cửa hàng sắt thép ở Quận Thủ Đức, cũng chia sẻ, mỗi ngày ông nhận được xấp xỉ 10 tin nhắn quảng cáo nhà đất; chưa kể, trong hộp thư điện tử dùng để trao đổi đơn hàng với các đại lý, mỗi ngày ông cũng nhận được vài email giới thiệu căn hộ mới, dự án nghỉ dưỡng ở tận Vũng Tàu, Đà Nẵng,…
“Thấy email quảng cáo bất động sản là tôi xóa ngay, cũng chẳng mất thời gian gì nhưng cảm thấy rất phiền toái”, ông Minh cho hay.
Theo ghi nhận, hầu hết các tin nhắn quảng cáo nhà đất đều xuất phát từ các "sim rác" với đủ nội dung “Đất nền sổ đỏ, xây dựng tự do, chỉ 590 triệu đồng/nền, gần mặt đường Vành Đai, khu dân cư hiện hữu rất đẹp. Liên hệ 090xx” hay “Bán gấp 15 căn hộ ven sông Bình Thạnh đã có sổ hồng, cách Quận 1 chỉ 5 phút, thanh toán 50%, trả góp 18 tháng không lãi suất. Liên hệ 090xx...”
Chia sẻ với TBKTSG Online, chị Nhung, ông Minh đều cho biết, họ không hiểu vì sao các công ty môi giới lại có số điện thoại, địa chỉ email của họ để “dội bom” tin nhắn quảng cáo như vậy vì trước đó, họ không hề có bất cứ liên hệ nào với các công ty này.
Trong khi đó, anh Duy, một nhân viên văn phòng ở Quận Bình Thạnh, thì tỏ ra “hối tiếc” vì hồi tháng 10-2015, anh có để lại danh thiếp cho một nhân viên môi giới nhà đất và từ đó, ngày nào anh cũng nhận được hàng chục tin nhắn từ hàng chục sàn môi giới, dự án khác nhau.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online từ lãnh đạo một số công ty bất động sản lớn tại TPHCM, họ đều cho biết không chỉ đạo hoặc không chủ trương khuyến khích nhân viên môi giới của mình sử dụng tin nhắn quảng cáo nhà đất cho khách hàng. Một lãnh đạo sàn giao dịch thừa nhận, họ không thể kiểm soát được nhân viên của mình trong việc làm này vì “đó là cách làm của mỗi người, miễn sao bán được hàng, không thể cấm đoán được”.
Đủ kiểu tin nhắn mập mờ
Nhưng ngay cả với những người có nhu cầu về nhà đất, những tin nhắn này cũng là nỗi phiền toái vì kiểu quảng cáo quá sai sự thật.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, phóng viên TBKTSG Online gọi đến một số 01228xxx để hỏi về dự án đất nền, được quảng cáo là gần trung tâm TPHCM. Trao đổi qua điện thoại, nhân viên môi giới cho biết, giá bán mỗi mét vuông đất chỉ là 3,2 triệu đồng, mỗi nền từ 100-150 mét vuông.
Khi được hỏi, vì sao đất gần trung tâm thành phố mà giá lại rẻ như vậy thì nhân viên này tỉnh bơ: do dự án nằm ở... cuối huyện Bình Chánh, giáp với tỉnh Long An.
Anh Hiền, một khách hàng ở Quận Thủ Đức, đang tìm mua đất nền cũng rơi vào trường hợp tương tự. Anh Hiền cho biết, sau khi liên lạc với nhân viên môi giới qua điện thoại, anh đã hẹn gặp nhân viên này tại một địa điểm ở Quận 2 để được dẫn đi xem dự án.
Dự án đất nền trong tin nhắn rất hấp dẫn, với giá chỉ hơn 400 triệu đồng cho một lô đất rộng hơn 100 mét vuông, được giới thiệu nằm ở cuối Quận 2, TPHCM. Tuy nhiên, khi đến nơi anh mới té ngửa rằng muốn đến lô đất trên phải qua phà Cát Lái để sang huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên TBKTSG Online trong vai khách hàng cũng đến dự án G., ở quận Bình Tân, được quảng cáo trong tin nhắn là “căn hộ chất lượng Hàn Quốc, không gian sống đẳng cấp”. Song, khi đến tận nơi dự án, những cư dân đang ở đây lại than căn hộ mới giao đã thấm nước, nứt tường. Trong khi đó, bên ngoài một block dự án đã hoàn thành chỉ là một bãi công trường còn dang dở.
Một trường hợp khác là chung cư ở gần Khu Công nghệ cao TPHCM, Quận 9 được giới thiệu với giá khá rẻ, khoảng 800 triệu đồng căn hộ rộng hơn 70 mét vuông. Tuy nhiên, khi đến nơi tìm hiểu từ nhân viên môi giới mới biết, đây là căn hộ thuộc dự án chung cư tái định cư. Theo quy định, căn hộ tái định cư chỉ dành cho hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng khi Nhà nước làm các dự án, công trình. Nhân viên môi giới cho biết, giao dịch mua bán chỉ có thể thực hiện qua giấy tay – vốn ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Phó giám đốc một doanh nghiệp địa ốc cho biết sở dĩ nhân viên môi giới hiện nay phải tìm đủ cách tiếp thị sản phẩm, trong đó cách phổ biến nhất là "dội bom" tin nhắn điện thoại, vì áp lực bán hàng của họ rất lớn.
Ông này cho rằng, dù nhiều doanh nghiệp công bố bán hàng chạy, vừa mở bán đã bán hết hàng... nhưng thực ra, số sản phẩm trên lại nằm ở các sàn giao dịch và nhân viên môi giới phải bán cho khách hàng.
Trong khi đó, chị T., nhân viên một sàn môi giới ở Hàng Xanh (Quận Bình Thạnh), cho biết, hiệu quả của tin nhắn tiếp thị nhà đất đến với khách hàng chỉ là... một phần ngàn. Theo chị T., việc gửi tin nhắn này hiện được các nhân viên môi giới thực hiện bằng các phần mềm nên rất nhanh.
"Hàng ngàn tin nhắn gửi đi mà chỉ cần được một vài người gọi lại để hỏi thông tin cũng đã là thành công rồi", chị T. chia sẻ.