MBS kỳ vọng GDP năm 2025 sẽ tăng 7,1%.
Nền kinh tế duy trì xu hướng cải thiện qua các quý trong năm 2024
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2024 ước tính tăng 7.55% svck, chỉ thấp hơn quý 4 các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, và duy trì xu hướng cải thiện qua các quý (quý 1: 5,98%, quý 2: 7,25%, quý 3: 7,4%).
Trong Q4, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,4%, đóng góp 44% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng 10%. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,9%.
Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão Yagi đổ bộ trong tháng 9.
Trong khi đó, ngành dịch vụ tăng 8,2%, đóng góp 51,1%, với một số ngành cốt lõi có mức tăng trưởng ổn định như: dịch vụ lưu trú và ăn uống ( 10,3% svck); vận tải và kho bãi ( 10% svck); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm ( 9,3% svck).
Kết quả kinh tế ấn tượng trong năm 2024 đã cho thấy một nền kinh tế kiên cường và tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.
Theo đó, MBS dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt 7,1% nhờ đẩy mạnh vốn đầu tư công và hoạt động sản xuất sôi động.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm 2025 khi được thúc đẩy bởi các chương trình kích thích tiêu dùng, giảm giá như: giảm thuế VAT, hạ lãi suất cho vay và tăng lương cơ bản.
Thêm vào đó, mức tăng trưởng cao hơn dự kiến của Mỹ hoặc Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất kể từ 2020
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12 tăng 0.8% so với tháng trước và tăng 8.8% svck. Các ngành trọng điểm ghi nhận hoạt động sản xuất tăng trưởng mạnh trong tháng bao gồm: Sản xuất xe có động cơ ( 37,8% svck), sản xuất phương tiện vận tải khác ( 26,7% svck), hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng ( 25,5% svck).
Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,4% svck, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, ngành chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng 9,6%, cao hơn nhiều so với mức 1,6% của năm 2023.
Tháng cuối cùng của năm chứng kiến sự suy giảm nhẹ trong điều kiện kinh doanh chung của ngành sản xuất, khi chỉ số PMI giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong ba tháng trở lại đây.
Cụ thể, chỉ số PMI tháng 12 đạt 49,8 điểm, giảm 1 điểm so với mức 50,8 điểm của tháng 11.
Mặc dù cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng trong tháng, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức khiêm tốn và là mức yếu nhất trong ba tháng gần đây. Do đó, các nhà sản xuất đã cắt giảm việc làm tháng thứ ba liên tiếp, với tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 8.
Ngoài ra, lo ngại về sự bất ổn và không chắc chắn của thị trường toàn cầu đã làm giảm niềm tin về triển vọng sản lượng trong năm tới. Điều này khiến các doanh nghiệp ngần ngại trong việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho, dẫn đến việc giảm tồn kho hàng mua. Các yếu tố này đã tạo nên một kết thúc năm ảm đạm đối với ngành sản xuất Việt Nam.
-
UOB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 là 7%
Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%, thay vì mức 6,6% trước đó.